MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Anh Thư

Tháo gỡ khó khăn về việc làm cho doanh nghiệp

Anh Thư LDO | 30/06/2020 08:49
Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đến nay, đã có 7,8 triệu lao động mất việc, phải nghỉ luân phiên, giãn việc, trong đó số lao động có việc làm cũng giảm mạnh nhất trong 10 năm qua do tác động bởi dịch COVID-19. Để lắng nghe những ý kiến từ phía các doanh nghiệp (DN), chiều 29.6, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức Hội nghị “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của dịch COVID-19”.

Những đề xuất của doanh nghiệp

Là một trong những đơn vị gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, bà Nguyễn Hoài Thu - Phó Giám đốc Chi nhánh Lữ hành Saigontourist Hà Nội cho biết, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, công ty cũng cố gắng chưa cắt giảm nhân sự và tìm biện pháp duy trì nguồn lực sau phục hồi. “Tháng 6.2020, nguồn dự phòng để trang trải chi phí cho lương thưởng bắt đầu giảm dần. Chúng tôi phải thực hiện rà soát nhân sự để có những giải pháp trong những tháng tiếp theo. Trước tình hình đó, công ty kiến nghị các biện pháp liên quan đến đặc thù du lịch như miễn thị thực và giảm thị thực cho khách quốc tế vào Việt Nam khi dịch được khống chế. Bên cạnh đó, cho phép các DN được chậm nộp bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 2020 đến hết 12.2021…” - bà Thu nói.

Cũng trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Bùi Lâm - Phó Trưởng ban Tổ chức và phát triển nguồn nhân lực - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - cho rằng, ngành Hàng không nhận được hỗ trợ lớn từ phía Chính phủ. Những hỗ trợ này giúp DN từng bước tháo gỡ được khó khăn. Trước đây, doanh thu hàng không bình quân 1.500 tỉ đồng/1 tuần, hiện tại còn 150 tỉ đồng/1 tuần. Như vậy, công ty gặp khó khăn trong việc cân đối thu chi. Qua đó, thấy được bức tranh sử dụng lao động, phần chi cho tiền lương, chế độ cho người lao động (NLĐ) gặp khó khăn. Ngành Hàng không có những nhóm đối tượng NLĐ đặc thù, nên tổng công ty dùng các biện pháp hỗ trợ để giữ chân họ. Phía đơn vị cũng có những đề xuất tương tự về tạm dừng chính sách BHXH như phía Chi nhánh Lữ hành Saigontourist Hà Nội đã nêu.

Phó phòng tổ chức Hành chính, Tổng Công ty May 10 Trần Mạnh Cường cho biết, sau khi dịch COVID-19 xảy ra, Tập đoàn dệt may cũng như tổng công ty xây dựng kịch bản và xác định đầy khó khăn và dự kiến doanh thu giảm 40%. Do ảnh hưởng của dịch, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm, các đơn hàng khi sản xuất ra khách hàng không muốn nhận để tránh việc thanh toán. Vì vậy, luồng tài chính khó khăn, ảnh hưởng rất lớn dòng tiền của đơn vị.

Theo ông Cường, thực tế 30-50% lao động của công ty bị ảnh hưởng về việc làm. Nhu cầu sử dụng sản phẩm may mặc giảm, tuy nhiên nhu cầu sử dụng sản phẩm phòng dịch tăng lên. Song nhu cầu này không thường xuyên nên công ty cũng phải ăn đong theo từng tháng. Trong quá trình tiếp cận 62.000 tỉ đồng, để vay vốn trả lương cho NLĐ tạm ngừng việc thì điều kiện khắt khe, DN khó tiếp cận như tài chính bằng không, không còn quỹ lương dự phòng…

Tháo gỡ khó khăn

Lý giải nguyên nhân vì sao DN có thể được miễn hoặc giảm thuế còn BHXH chỉ được tạm dừng, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Phạm Trường Giang cho hay, BHXH là quan hệ đóng hưởng, cho nên nếu DN không đóng cho NLĐ thì sẽ không có gì để hưởng. Nếu chính sách thuế chỉ là quan hệ giữa Nhà nước và DN thì chính sách BHXH là quan hệ 3 bên Nhà nước - người sử dụng lao động - NLĐ. Tham gia đóng BHXH là vừa lo cho lợi ích của NLĐ, vừa lo cho lợi ích của DN.

Ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - cho biết, tại hội nghị các DN nêu lên nhiều vấn đề như kiến nghị về chính sách BHXH. Đây là vấn đề được mọi người quan tâm. Vừa qua, với chính sách giãn đóng BHXH với NLĐ và DN những điều kiện nhất định, bộ có những văn bản hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện tốt hơn cho từng DN được tiếp cận hỗ trợ này.  

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, về việc triển khai Nghị quyết 42, trong quá trình xét duyệt, chi trả cho nhóm thụ hưởng là DN và NLĐ còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, DN vay trả lương cho NLĐ chưa tiếp cận được hỗ trợ dự kiến 16.000 tỉ đồng của Ngân hàng chính sách xã hội.

Theo thống kê, đến nay chưa DN nào được hỗ trợ nên kiến nghị nới lỏng điều kiện cho vay. Với NLĐ tạm hoãn hợp đồng, không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, một số điều kiện được nhận hỗ trợ tương đối chặt chẽ. Mới đây, bộ đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung điều kiện DN được vay vốn để trả lương ngừng việc cho NLĐ theo hướng phù hợp hơn với điều kiện hiện nay.

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH)-cho biết, ảnh hưởng dịch COVID-19, lực lượng lao động thấp kỷ lục, NLĐ có việc có mức giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, tỉ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.

Theo tính toán sơ bộ của Cục Việc làm, đến tháng 6, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19, bao gồm những người bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong số những người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỉ trọng lớn nhất 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người), 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc, lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với 72%; tiếp đến là 67,% khu vực công nghiệp; 25,1% khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm khoảng 1,4 triệu người, trong đó lao động mất việc làm do các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất là gần 900.000 người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn