MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động tìm việc tại cổng A -Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Lương Hạnh.

Thất nghiệp khi gần 40 tuổi, lao động gặp khó khi tìm việc

LƯƠNG HẠNH - BẢO HÂN LDO | 20/07/2023 06:40

Là một trong những công nhân đầu tiên được tuyển dụng vào làm việc tại công ty lớn trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), chị Duyên chưa từng nghĩ sau 18 năm, chị phải xin nghỉ việc. Đến nay, khi đã gần 40 tuổi, chị lại phải đắn đo suy tính: “Làm gì tiếp theo?”.

Chấp nhận thất nghiệp

Cuối năm 2022, công ty chị Nguyễn Thị Duyên (SN 1987) làm việc gặp nhiều khó khăn trong đơn hàng, công nhân buộc phải nghỉ việc luân phiên, hưởng 70% mức lương cơ bản. Với mức hỗ trợ này, công nhân như chị được an ủi phần nào khi công ty hỗ trợ tối đa cho người lao động.

Cho đến đầu năm 2023, làn sóng cắt giảm nhân sự chưa dừng lại. Theo chị Duyên, có đến gần một nửa số công nhân của cả 2 nhà máy thuộc công ty này rơi vào tình trạng giảm việc, giảm thu nhập.

“Công ty đưa ra cho chúng tôi hai lựa chọn, một là tiếp tục ở lại làm việc nhưng làm theo ca và nghỉ việc luân phiên, không biết đến khi nào phải nghỉ việc không lương. Hai là chúng tôi nộp đơn xin nghỉ việc và nhận mức phụ cấp 9 tháng lương cơ bản” – chị Duyên thông tin.

 Cho đến đầu năm 2023, làn sóng cắt giảm nhân sự ở công ty của chị Duyên chưa dừng lại. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Để đưa ra lựa chọn “đi hay ở”, chị Duyên cảm thấy rất khó khăn và mất vài đêm đắn đo suy nghĩ. Bởi, nếu tiếp tục ở lại, chị sẽ càng thêm hoang mang khi chờ đợi công ty có việc làm cho công nhân. Ngược lại, nếu tự nguyện xin nghỉ tức là chị sẽ phải rời khỏi nơi mình gắn bó, cống hiến, nuôi sống gia đình trong nhiều năm. Không chỉ vậy, với độ tuổi gần 40, chị càng không biết bước tiếp theo cần phải làm gì.

Sau khi nghỉ việc, chị Duyên cũng từng tìm kiếm công việc mới trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, số công ty tuyển dụng lao động trong thời gian này không nhiều. Với công ty có nhu cầu tuyển, thì chỉ chấp nhận lao động từ 18 tuổi đến dưới 30 tuổi. Ngoài ra, lo lắng khó chạy theo guồng công việc mới khi đã đảm nhiệm vị trí công việc cũ trong thời gian dài, khiến chị Duyên càng ngại tiếp tục làm công nhân.

Chuyện chẳng đặng đừng

Nhiều gánh nặng hơn chị Duyên là chị Nguyễn Thị Hải (SN 1986, Phú Thọ) khi phải trả số tiền vay nợ ngân hàng mua nhà chung cư. Chị Hải cũng có gần 20 năm làm công nhân và đã nghỉ việc vào ngày 17.7 vừa qua.

Trước đây, vợ chồng chị Hải chưa từng có suy nghĩ sẽ bám trụ lại Hà Nội. Song, khi được ký hợp đồng lao động lâu dài, cảm thấy ổn định hơn, nữ công nhân và chồng quyết định mua một căn nhà, "an cư lạc nghiệp" tại đây.

Năm 2020, chị Hải nhen nhóm ý định mua nhà dù chỉ có khoảng 200 triệu đồng. Vợ chồng chị vay thêm hơn 700 triệu đồng để mua nhà và sắm sửa nội thấp. Căn hộ có diện tích 48 m2, 2 phòng ngủ, tổng số tiền phải trả là 985 triệu đồng. Căn hộ tuy nhỏ, nhưng chị rất hài lòng và cảm thấy phù hợp với nhu cầu của gia đình.

Chị Hải tranh thủ bán đồ ăn trong khu chung cư trong lúc tìm việc làm mới. Ảnh: Hạnh Hân.

Từ tháng 12.2022 đến nay, mỗi tháng, vợ chồng chị trả nợ ngân hàng 7 triệu đồng, hiện còn nợ khoảng 300 triệu đồng.

Tự nguyện nghỉ việc nhận trợ cấp là 9 tháng lương cơ bản, chị Hải sẽ có tiền trang trải cuộc sống khi thất nghiệp. Tuy nhiên, nữ công nhân cũng không tránh khỏi cảm giác hoang mang, lo lắng khi món nợ nhà ở xã hội vẫn còn đó. Chị lo ngại bởi khi đã 37 tuổi, rất khó để chị có thể xin một công việc mới trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp.

Xin nghỉ việc là chuyện chẳng đặng đừng với chị Duyên, chị Hải. Tuy nhiên, khi được hỏi về mong muốn lớn nhất trong thời điểm hiện tại, cả 2 nữ công nhân đều mong mỏi sớm có việc làm ổn định.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho lao động bị mất việc, giảm việc, giãn việc sẽ tiếp tục được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ và triển khai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn