MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Ba Tầng kiểm tra giếng nước sạch do dự án hỗ trợ cho người dân xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa. Ảnh: HT.

Thất nghiệp sau 10 năm làm cán bộ chính sách ở vùng khó

HƯNG THƠ LDO | 09/01/2018 11:00
Hơn 10 năm trước, do thực trạng đói nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn khu vực miền núi và đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về chất lượng, Chính phủ đã có đề án đưa cán bộ, công chức về các xã đặc biệt khó khăn làm công tác xóa đói giảm nghèo. 

Tại tỉnh Quảng Trị, 33 xã đặc biệt khó khăn ở các huyện Hướng Hóa, Đak Rông, Vĩnh Linh, Gio Linh được tuyển dụng cán bộ có đủ năng lực làm công tác xóa đói giảm nghèo. Sau nhiều năm đảm nhận công tác, đến năm 2017, UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định chấm dứt đề án, đồng nghĩa với việc phần lớn những cán bộ thuộc đề án này rơi vào cảnh thất nghiệp.

Thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo

Báo Lao Động nhận được đơn kiến nghị của 10 cán bộ hợp đồng thuộc đề án “Tăng cường cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn khu vực miền núi” đang công tác tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) về việc bố trí việc làm khi kết thúc đề án. Theo đơn, những cán bộ này đã công tác ở các xã thuộc vùng đồng bào thiểu số có điều kiện về kinh tế, xã hội khó khăn nhiều năm liền, nhưng khi kết thúc dự án thì họ không được bố trí công việc khác.

Anh Phạm Hùng Thắng (sinh năm 1980, hiện đã tốt nghiệp Cử nhân Luật) cho biết, từ tháng 10.2006, anh được hợp đồng, bố trí vào làm cán bộ cho dự án xóa đói giảm nghèo tại xã Xy (huyện Hướng Hóa), đến cuối năm 2017 đã công tác hơn 11 năm. Thời điểm đó, cán bộ tại xã Xy chưa được chuẩn hóa, nên anh Thắng kiêm rất nhiều việc. “Tôi làm chế độ cho người nghèo, người có công, đối tượng chính sách... Do nhiều việc các cán bộ khác làm chưa thông thạo, nên có việc gì tôi cũng làm giúp. Năm nào cũng được công nhận là Lao động tiên tiến” - anh Thắng nói. Nhưng hết năm 2017, anh Thắng bị cắt hợp đồng, trong lúc vợ không có việc làm ổn định, 2 đứa con nhỏ nên rất khó khăn.

Ngoài anh Thắng, trong số 9 cán bộ còn lại có đơn kiến nghị, có 5 người đã hợp đồng làm cán bộ xóa đói giảm nghèo trên 5 năm, sau khi bị chấm dứt hợp đồng, chỉ một vài người trong số họ được bố trí công việc bán chuyên trách tại địa phương, số còn lại không có việc làm. Trong khi đó, đánh giá về quá trình công tác của những cán bộ hợp đồng này, các địa phương nhìn nhận trong quá trình thực hiện nhiệm vụ họ đã hoàn thành tốt công việc, góp phần thực hiện hiện quả công tác xóa đói giảm nghèo.

Cần bố trí công việc phù hợp

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, vào thời điểm năm 2006, ở cấp xã chưa có công chức làm công tác lao động - thương binh và xã hội, do đó việc tăng cường cán bộ về làm công tác xóa đói, giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn là cần thiết. Tuy nhiên, đến năm 2010, thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, thì mỗi xã, phường, thị trấn được bố trí 2 công chức văn hóa - xã hội, trong đó có 1 công chức chuyên trách theo dõi công tác xóa đói giảm nghèo. Vì đã có cán bộ chuyên trách và “đề án đến thời điểm này đã hoàn thành mục tiêu đề ra”, nên ngày 28.6.2017, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành công văn số 2881/UBND-VX về việc chấm dứt đề án xóa đói giảm nghèo.

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Trị, khi kết thúc đề án này, những cán bộ đã hợp đồng sẽ được cộng điểm ưu tiên trong thi tuyển và xét tuyển công chức, viên chức ở các cơ quan nhà nước nếu đáp ứng đủ các yêu cầu của cơ quan có nhu cầu tuyển dụng. UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã yêu cầu các địa phương bố trí những cán bộ hợp đồng nói trên vào chức danh cán bộ xã hoặc người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn. Nhưng thực tế, đến thời điểm này số người được bố trí công việc hoặc xét tuyển đặc cách là rất hiếm. Đơn cử như trường hợp anh Trần Văn Trí, dù đã tốt nghiệp chính quy Đại học Nông Lâm, có thời gian công tác hơn 11 năm là đủ điều kiện để xem xét vận dụng tuyển dụng đặc biệt vào công chức cấp xã không qua thi tuyển. Tuy nhiên, do chưa có chỉ tiêu phù hợp, nên hiện anh Trí vẫn thất nghiệp.

Trong đơn gửi Báo Lao Động, những cán bộ chính sách bị cắt hợp đồng nói rằng, họ đã cống hiến tuổi thanh xuân, xa gia đình vợ con, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ và đã góp phần giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo. Nhưng khi nhiệm vụ hoàn thành, họ bị thất nghiệp và rớt xuống hộ nghèo vì không có việc làm, nên rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn