MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động được tư vấn tuyển sinh, xuất khẩu lao động. Ảnh: Lương Hạnh.

Thất nghiệp tăng, nhiều ngành vẫn có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp

LƯƠNG HẠNH LDO | 01/06/2023 18:03

Các ngành dịch vụ, du lịch và kỹ thuật, công nghệ như: Cơ khí, công nghệ ôtô đang thu hút đông đảo sinh viên đăng ký theo học. Những ngành này được đánh giá là có việc làm ngay sau khi sinh viên tốt nghiệp trường nghề.

Nhiều địa phương song song giải quyết trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong bối cảnh thị trường lao động, việc làm nhiều biến động do tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, các địa phương tích cực hỗ trợ người lao động trong giải quyết thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp song song với hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm mới để lao động sớm quay lại thị trường việc làm.

Trong tháng 5.2023, về trợ cấp thất nghiệp, 28/63 địa phương có số người có quyết định hưởng TCTN giảm so với cùng kỳ tháng 4. 2023, trong đó một số địa phương có tỷ lệ số người có quyết định hưởng TCTN giảm nhiều so với cùng kỳ tháng 4.2023 như: Lai Châu, Bình Định, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Quảng Ngãi,… Trong kỳ, số người có quyết định hưởng TCTN với thời hạn hưởng trên 3 tháng là 33.131 người, chiếm 52,7% số người có quyết định hưởng TCTN.

Song song với đó, công tác hỗ trợ học nghề được chú trọng. Có 27/63 địa phương có hỗ trợ học nghề đối với người lao động với số lượng là: 903 người, đưa tổng số người được trợ cấp học nghề từ đầu năm đến nay là 8.211 người, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022 (7.219 người).

Lương thấp nhất là 8 triệu đồng/tháng

Bà Trần Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Cơ khí I Hà Nội cho biết: Hằng năm, trường tuyển sinh nghề “hot” là nghề kỹ thuật, cơ khí chế tạo, công nghệ ôtô. Trong những năm gần đây, xu hướng học sinh đăng ký học ngành này tăng mạnh. Doanh nghiệp cần lao động trong ngành tương đối nhiều.

“Trong quá trình sinh viên học tập tại trường, chúng tôi đã đưa sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp với mức lương từ 4-6 triệu đồng. Đó là khi các em chưa có bằng tốt nghiệp. Với sinh viên đã tốt nghiệp, có bằng trung cấp thì mức lương hiện nay thấp nhất đã là 8 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm các khoản tăng ca, làm thêm, phụ cấp và chế độ khác” – bà Hà chia sẻ.

Bà Trần Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Cơ khí I Hà Nội. Ảnh: Lương Hạnh.

Theo bà Hà, hiện nay các doanh nghiệp liên kết tuyển dụng sinh viên của trường đều muốn nhận người lao động đã qua đào tạo bài bản tại các khoa kỹ thuật.

Bên cạnh đó, vị phó hiệu trưởng cũng khẳng định kỹ năng an toàn vệ sinh lao động là môn học bắt buộc ở tất cả các nghề trong chương trình đào tạo của trường với thời lượng ít nhất là 30 tiết.

Mỗi một máy móc, thiết bị đều có quy trình đào tạo riêng về kỹ năng an toàn vệ sinh lao động. Sinh viên sẽ được các thầy cô hướng dẫn thực hành cụ thể đảm bảo việc an toàn vệ sinh lao động.

Lao động cần nắm chắc kỹ năng nghề

Ông Lê Minh Thảo - Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH Hà Nội cũng cho biết các ngành dịch vụ, du lịch và khoa học kỹ thuật, công nghệ như: Cơ khí, công nghệ ôtô đang thu hút đông đảo lao động. Sinh viên tốt nghiệp các ngành này sẽ có việc làm ngay.

Theo ông Thảo, hiện có 307 cơ sở đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gồm 69 trường cao đẳng, 59 trường trung cấp, 54 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề và 125 doanh nghiệp, loại hình khác) trên địa bàn thành phố.

Năm 2022, tuyển sinh đào tạo cho 252.286 lượt người (trình độ cao đẳng 32.329 người; trung cấp 27.350 người; sơ cấp và dưới 3 tháng 192.607 người), đạt 112,4% kế hoạch tuyển sinh năm 2022.

Ông Lê Minh Thảo - Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH Hà Nội chia sẻ thông tin với báo chí. Ảnh: Lương Hạnh.

Có 196.539 học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp, tăng 14,01% so với cùng kỳ năm 2021. Tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 72,23%, vượt 0,03% chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2022. Trong đó tỉ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%, vượt 1,3% so với kế hoạch đề ra năm 2022, tăng 2,3% so với năm 2021.

Năm 2023, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu tuyển sinh và đào tạo cho 230.000 lượt người; phấn đấu tỉ lệ lao động qua đào đạt 73,2%, trong đó tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 52,5%.

Cũng theo ông Thảo, Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2023 sắp diễn ra là một trong các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Sở LĐTBXH

Sở tham mưu cho thành phố thực hiện nhiều nội dung như: Tăng cường công tác truyền thông, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động tiếp cận với các trường THCS, THPT để tư vấn trực tiếp...

Tuy nhiên, theo ông Thảo, ngoài việc chọn ngành, nghề "hot" tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì học sinh, sinh viên, người lao động luôn phải nắm chắc kỹ năng nghề. Kỹ năng nghề sẽ giúp cho công việc của người lao động phát triển, bền chắc, thu nhập tốt hơn.

Nói thêm về các giải pháp nâng cao chất lượng lao động Thủ đô, ông Thảo cho biết Thủ tướng đã ban hành Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên cơ sở đó, thành phố Hà Nội cũng ban hành kế hoạch để thực hiện chiến lược này. Các nhiệm vụ, giải pháp, chiến lược cần triển khai để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô đã được cụ thể tại kế hoạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn