MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Thấy có lỗi vì không thể chuẩn bị cho con vào năm học mới"

Bảo Hân LDO | 02/09/2021 17:15

"Phải xa con nhiều tháng khiến tôi cảm giác như có lỗi với con, nhất là hiện nay không thể trực tiếp sắm sửa cho các con bước vào năm học mới" - chị Nông Thị Thế, công nhân làm việc trong một công ty điện tử tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) chia sẻ.

Phải xa con vì mưu sinh 

Gần 4 tháng nay, chị Thế chưa về quê ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang để thăm 2 con (6 tuổi và 5 tuổi). Năm nay, cháu lớn bắt đầu vào học lớp 1, nhưng chị không thể trực tiếp về để đưa con đến trường hay chuẩn bị những bộ quần áo mới cho con.

“Nơi tôi làm vẫn đang khuyến cáo công nhân chưa nên về quê thời điểm này, hơn nữa, khi về phải khai báo với nhiều thủ tục nên tôi đành ở lại nhà trọ, mọi việc học hành cho các con đều do chồng chuẩn bị”- chị Thế cho hay.

Thu nhập của chị Thế khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Chị gửi về quê từ 2-4 triệu đồng cho chồng con, còn lại chị để trang trải các chi phí sinh hoạt. Riêng tiền thuê phòng trọ là hơn 1 triệu đồng, rồi nhiều khoản chi khác nên những đồng tiền chị dành dụm được rất ít. Chồng chị Thế làm vườn, gần như không có thu nhập hàng tháng, vì vậy, tiền trang trải sinh hoạt cho cả nhà trông chờ vào thu nhập của chị. 

Điều chị Thế lo lắng nhất bây giờ, là các con đi học ở trường sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19. Chị chỉ mong các con được an toàn trong thời gian đến trường học. 

Cũng giống như chị Thế, anh Lường Đình Hoàn, công nhân một công ty điện tử tại Khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) đã hơn 4 tháng không gặp con.  Anh Hoàn cho biết, trước đây, vợ chồng anh thuê trọ tại xã Đại Đồng, huyện Tiên Du. Khi vợ anh chuẩn bị sinh cháu thứ 2, anh quyết định gửi vợ về quê tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn để sinh ở quê.

Mới đây, chị cùng cháu thứ 2 - mới 5 tháng tuổi – trở lại nhà trọ tại Bắc Ninh để chuẩn bị đi làm trở lại; còn cháu lớn thì vẫn ở nhà với ông bà. Hiện ở quê, con lớn của anh Hoàn vẫn chưa nhập học.  

“Thời điểm này ở quê tôi xuống Bắc Ninh thì được, nhưng từ Bắc Ninh về quê phải cách ly, nên thời gian này, tôi không thể về gặp con. Hơn nữa, công ty ra khuyến cáo nếu không có việc gì cấp thiết thì không nên về quê, nên nhiều tháng nay, tôi chỉ đi làm rồi trở về phòng trọ. Tính ra, đã hơn 4 tháng nay tôi chưa được gặp con”- anh Hoàn chia sẻ.  

Cách đây 3 hôm, anh Hoàn phải vào ở trong công ty để sản xuất “3 tại chỗ”, xa vợ con. Vì vậy, việc học hành của cháu lớn đều trông chờ vào ông bà. Không được gần con, nhất là những ngày đầu năm học để lo cho con, anh Hoàn cảm thấy rất áy náy và có lỗi với con nhưng anh đành chấp nhận, vì cuộc mưu sinh. Bình thường, thu nhập của anh là 7 triệu đồng/tháng; còn nếu đi sản xuất “3 tại chỗ” sẽ được tăng lên khoảng 9 triệu đồng/tháng. “Có thêm thu nhập, tôi sẽ gửi thêm tiền về quê để ông bà chăm chút cháu được tốt hơn”- anh Hoàn chia sẻ. 

Đành thất hứa mua cặp mới cho con 

Cũng đã 5 tháng nay, chị Đỗ Thị Huyền - công nhân Khu công nghiệp Sóng Thần 2 (Bình Dương) không thể về thăm các con. 

Chị Huyền quê ở Thanh Hoá, đến Bình Dương làm công nhân từ tháng 3.2021, “chân ướt chân ráo” ở vùng đất mới, chị dự định để dành ngày nghỉ để đúng vào dịp năm học mới sẽ xin nghỉ vài hôm để về sắm sửa cặp sách cho các con vào năm học mới.

Sở dĩ chị chọn đi làm xa vì lương công nhân ở quê thấp, chỉ 4,5 triệu đồng/tháng, không thể đủ cho 3 mẹ con chi tiêu. Chị vừa ly hôn chồng, mọi thứ phải nỗ lực 200%.

Chị có 2 người con, bé đầu năm nay lên lớp 8, bé thứ 2 học lớp 3. Chị Huyền bảo, bé đầu lớn nên hiểu chuyện hơn, biết mẹ đi làm vất vả, nguy hiểm nên hay gọi điện hỏi han, nhắc mẹ đi làm cẩn thận. Còn bé nhỏ thi thoảng lại trách, nói mẹ hứa đầu năm về mua cặp mới cho con mà không về.

“Khi nghe con nói vậy, tôi lại bật khóc, cảm thấy rất có lỗi với con” - chị Huyền nói.

Từ giữa tháng 7.2021, chị Huyền thực hiện “3 tại chỗ” ở công ty. Nay tình hình dịch ở Bình Dương cũng như các tỉnh phía Nam vẫn rất phức tạp, chị Huyền nói, ngày về với các con đối với chị càng xa hơn. Nhưng theo chị Huyền, chị vẫn may mắn vì còn có thu nhập trong thời gian này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn