MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Thị Kim Bé - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang - trao đổi tại hội nghị. Ảnh: LỤC TÙNG

Thay đổi cách họp để mở rộng kênh bảo vệ người lao động

LỤC TÙNG LDO | 13/02/2019 17:17

Chỉ với việc chủ động mời và gợi ý các đơn vị phối hợp đến dự hội nghị tổng kết năm nói thêm “những điều muốn nói” để Đoàn Đại biểu Quốc hội ghi nhận và chuyển hóa vào các chương trình nghị sự, LĐLĐ tỉnh Kiên Giang đã biến hội nghị mang tính hành chính trở thành kênh trực tiếp chuyển tải nội dung bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ) một cách sáng tạo và thiết thực...

Mở và gợi

“Hôm nay, LĐLĐ tỉnh chủ động mời bà Nguyễn Thị Kim Bé - Phó Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang - đến dự để lắng nghe, ghi nhận, vì vậy rất mong các đồng chí nói hết những khó khăn, vướng mắc” - ngay sau gợi mở của Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kiên Giang Trần Thanh Việt, không khí buổi hội nghị tổng kết nóng lên. Lần lượt, Chủ tịch LĐLĐ TP.Rạch Giá, huyện Kiên Lương nêu ra những bất cập đã và đang hành chính hóa hoạt động CĐ. Nhưng, nóng nhất vẫn là chuyện nợ BHXH và kinh phí CĐ.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Phú Quốc Phan Xuân Trí bức xúc: “Phú Quốc đang chiếm đến 11/19 tỉ đồng nợ kinh phí CĐ trong toàn tỉnh. Nhưng đáng lo hơn là người có trách nhiệm của DN thiếu hợp tác khi thì báo đã nộp ở Cty “mẹ” có trụ sở ở ngoài tỉnh, lúc thì “đổ” cho Cty áp dụng chế độ khoán”. Tiếp đà này, ông Trương Hữu Cường - Giám đốc BHXH tỉnh Kiên Giang - cho rằng nợ BHXH đang rất nóng mà nguyên nhân là do “tự làm khó chính mình”.

Theo quy định, tổ chức CĐ cần NLĐ ủy quyền mới được khởi kiện DN nợ BHXH. Quy định này đã làm khó cả hai, vì NLĐ chưa mạnh dạn ủy quyền do sợ bị DN tìm cách cho thôi việc. Và nếu vậy thì CĐ không thể khởi kiện. Thậm chí, theo ông Cường, ngay cả khi có ủy quyền rồi, vẫn khó do thiếu đồng bộ giữa các quy định của Luật BHXH, Bộ luật Lao động, Luật Tố tụng Dân sự. Vì khi kiện, Tòa án đòi phải làm theo thủ tục tố tụng của tranh chấp lao động từng cá nhân. Nghĩa là, nếu có 1.000 NLĐ bị nợ BHXH, thì phải tiến hành 1.000 phiên tòa để xét xử. Theo ông Cường, việc này đã nhiều lần phản ánh trong các cuộc họp nhưng vẫn chưa thấu vì có lẽ chưa đúng chỗ. “Vì vậy hôm nay rất mừng vì hy vọng có thêm kênh của Quốc hội tác động” - ông Cường không giấu được cảm xúc.

Đồng thanh tương ứng

“Không chỉ các đồng chí, mà bản thân tôi cũng rất vui vì được nghe những lời gan ruột, những ý kiến mà vì nhiều lý do lâu nay chưa được trình bày đầy đủ trong các văn bản báo cáo, tổng kết. Đây chính là cơ sở để Quốc hội xem xét kiến nghị, điều chỉnh” - bà Nguyễn Thị Kim Bé chia sẻ đồng thời thừa nhận, vì nhiều lý do khách quan, thời gian qua, chưa có dịp nghe những buổi thảo luận sâu và nóng như kiểu này tại các cơ quan LĐLĐ nói riêng, đoàn thể nói chung. Vì vậy, từ buổi họp này, Đoàn Đại biểu Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian tham dự các buổi họp của CĐ để góp thêm kênh bảo vệ quyền, lợi ích NLĐ.

Theo bà Kim Bé, để điều chỉnh, bổ sung luật đòi hỏi phải có thời gian, vì vậy trước mắt sẽ tổng hợp những phát biểu hôm nay thành hệ thống rồi đưa vào các chương trình nghị sự để tác động nhằm sớm có nghị quyết chuyên đề bảo vệ NLĐ sát thực tiễn. Tuy nhiên, bà Kim Bé cũng nhấn mạnh đến yêu cầu từng cán bộ CĐ phải ra sức học tập, nâng cao trình độ, nghiệp vụ, chuyên môn để chăm lo, bảo vệ NLĐ đúng luật, đúng chức năng, nhiệm vụ. “Hạn chế tối đa nạn hiểu nhầm, hiểu chưa đúng kiến thức, quy trình pháp luật để vừa bảo vệ NLĐ chính xác, kịp thời, vừa bảo vệ uy tín, vị thế của tổ chức”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn