MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Phan Thị Diễm (giữa) giám sát bữa ăn ca ở doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Bình Hòa. Ảnh: LỤC TÙNG

Thay đổi nhỏ mang lại ý nghĩa lớn cho bữa ăn ca

lục tùng LDO | 28/11/2019 10:24

Bên cạnh việc tăng cường trích kinh phí để tặng những phần quà thiết thực cho các bếp ăn tập thể, LĐLĐ An Giang còn chủ động khen thưởng và xem đó như sự cổ vũ để các doanh nghiệp có thêm động lực chăm lo hơn nữa bữa ăn ca cho đoàn viên, công nhân lao động.

Vẫn còn doanh nghiệp tránh né

Theo thống kê của Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ An Giang, hiện toàn tỉnh có 70 doanh nghiệp (DN) thực hiện hỗ trợ bữa ăn ca cho công nhân lao động (CNLĐ) dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng hầu hết các DN đều có quan tâm về chất lượng bữa ăn ca. Cụ thể, 27 DN thực hiện hỗ trợ bằng cách phát tiền cho công nhân ăn tự túc; 30 DN có bếp ăn tự nấu và 13 DN thuê các đơn vị cung cấp suất ăn cho CNLĐ. Trong đó, có đến 57 DN áp dụng mức ăn giá trị từ 15.000-30.000 đồng/người/ca, tức trên mức tối thiểu theo tinh thần Nghị quyết 7c của Tổng LĐLĐVN. Các DN thuộc khu vực Nhà nước đều có mức ăn ca chung khá cao với bình quân 680.000 đồng/người/tháng và được khoán vào lương.

Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn nhiều DN chưa thực hiện đúng quy định về bữa ăn ca cho CNLĐ. Theo ông Trần Lưu Phong (Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh An Giang), đến cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 12 DN thực hiện hỗ trợ mức ăn dưới 15.000 đồng/suất. Đáng lo hơn, không chỉ sai trong việc tuân thủ quy định mang tính pháp lệnh, nhiều DN trong số này còn chưa từng đưa nội dung bữa ăn ca vào bản thỏa ước lao động tập thể. Thậm chí, khi được LĐLĐ kiểm tra, nhắc nhở, nhiều DN trong số này lại tìm cách biện minh, quanh co để không nhìn nhận sai sót...

Thay đổi nhỏ cho việc lớn

Từ đầu năm đến nay, có 4 DN nâng mức ăn ca cho CNLĐ lên 15.000 đồng/suất, gồm: Công ty (Cty) CP Rau Quả thực phẩm, Cty TNHH Thuận Phát Grament (Châu Thành), Cty TNHH Everwill và Cty CP XNK TS Đông Á (cùng huyện Châu Phú). Đây được xem là một nỗ lực lớn trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, việc nhận thức và chấp hành nghiêm pháp luật của nhiều DN còn nhiều vấn đề.

Trao đổi với chúng tôi về thay đổi này, ông Nguyễn Thiện Phú - Chủ tịch LĐLĐ An Giang - chia sẻ, bên cạnh việc chỉ đạo các CĐCS đưa nội dung bữa ăn giữa ca vào thỏa ước lao động tập thể cũng như các buổi đối thoại định kỳ giữa CNLĐ và chủ DN, bản thân LĐLĐ tỉnh cũng liên tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm huy động tối đa hiệu quả tác động.

Theo đó, bên cạnh việc chủ động đưa nội dung “bữa ăn ca” vào các buổi tuyên truyền chính sách pháp luật do LĐLĐ phối hợp cùng cơ quan chức năng thực hiện tại các DN, khu công nghiệp... LĐLĐ tỉnh An Giang còn lên kế hoạch giám sát bếp ăn để có chính sách ứng phó tích cực.

“Chúng tôi thường xuyên tổ chức đoàn giám sát đối với tất cả bếp ăn tập thể ở các DN. Nhưng không chỉ để tăng cường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hay chất lượng bữa ăn CNLĐ mà còn để tài trợ, hỗ trợ... nhằm tạo ra mối quan hệ thân thiện, làm cho DN hiểu, ý thức hơn nữa việc chấp hành quy định pháp luật về bữa ăn ca” - ông Phú nhấn mạnh.

LĐLĐ tỉnh thông qua các buổi khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tế của từng bếp ăn tập thể để mua quà tặng thiết thực nhất, sát nhất. Theo đó, trong khoảng 3 triệu đồng từ nguồn kinh phí CĐ, LĐLĐ tỉnh trang bị máy nước nóng lạnh, hay quạt gió... Thoạt nhìn, đây chỉ là sự thay đổi nhỏ trong nội dung hoạt động CĐ, nhưng thực tế mang lại hiệu quả lớn. Không chỉ khiến CNLĐ hài lòng, thích thú, hơn thế nữa, còn làm thay đổi nhận thức của một số DN. Việc có 4 DN vừa thống nhất nâng mức hỗ trợ bữa ăn ca lên 15.000 đồng/suất là điển hình.

“Sắp tới đây, chúng tôi còn lồng ghép nội dung bữa ăn ca vào các cuộc tôn vinh, khen thưởng DN vì người lao động để kích thích DN tăng tốc đổi mới có lợi cho CNLĐ” - ông Phú thông tin thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn