MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thầy giáo vùng sâu và kỷ niệm khó quên với Chương trình Chỗ trọ miễn phí

Kỳ Quan LDO | 23/05/2022 14:45
Suốt 15 năm trời, với tư cách là Hiệu trưởng (hoặc Chủ tịch CĐCS nhà trường), mỗi năm thầy đều đưa học trò của mình đi thi đại học ở Cần Thơ theo Chương trình Chỗ trọ miễn phí (CTMP) của Báo Lao Động. Có lẽ thầy là thầy giáo vùng sâu gắn bó lâu nhất với Chương trình CTMP.

Vị khách bất ngờ

Khi chuẩn bị khởi động Chương trình CTMP lần thứ 16 năm 2014, tôi bất ngờ tiếp một người khách, đó là thầy Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Mộc Hoá (huyện Mộc Hoá, Long An). Thầy Nam vượt gần 70 cây số về TP.Tân An gặp phóng viên Báo Lao Động để trình bày một nguyện vọng, đó là cho thầy đóng góp 2 tháng lương (10 triệu đồng) cho Chương trình CTMP năm 2014. Khi phóng viên trao thư ngỏ, kèm theo quyền lợi của nhà tài trợ của Ban Tổ chức chương trình, thầy Nam xua tay nói: “Tôi ủng hộ chương trình vì thấy nó quá hay, quá thiết thực, quá hữu ích cho thí sinh nghèo, ngoài ra tôi không cần quyền lợi nhà tài trợ gì cả”. Kể cả một lá thư cảm ơn thầy Nam thấy cũng không cần thiết.

Thầy Nam cho biết, khi còn là Chủ tịch CĐCS cho đến khi làm Hiệu trưởng Trường THPT Mộc Hóa (thuộc vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An), từ năm 2000 tới năm 2013, suốt 14 lần liên tiếp, năm nào thầy cũng đưa học trò về Cần Thơ thi đại học theo Chương trình CTMP. Vùng Đồng Tháp Mười từng được biết đến với cảnh khắc nghiệt “Cánh đồng hoang”, mỗi năm chìm trong nước lũ 3 – 4 tháng. Học sinh nơi đây đa phần nhà nghèo, rất cần sự trợ giúp trong học tập. Vì vậy mà vào năm 2000, khi biết đến Chương trình CTMP tiếp sức học sinh nghèo đi thi đại học, thầy Nam (lúc đó là Chủ tịch CĐCS nhà trường) đã đăng ký cho học sinh của mình tham gia chương trình.

 
 

Lần ấy, đích thân thầy đã đưa mấy chục học sinh của huyện đi thi đại học ở Cần Thơ. Để rồi từ đó đến khi Chương trình CTMP kết thúc, thầy gắn chặt với chương trình, kể cả khi đã là hiệu trưởng. “Đây là chương trình xã hội từ thiện kéo dài và thiết thực nhất mà tôi từng thấy”, thầy Nam nói. Với số tiến “ít ỏi” (như lời thầy Nam) ủng hộ cho chương trình, thầy mong muốn góp phần chăm sóc các thí sinh được chu đáo hơn.

“Hàn sĩ” dưới mái hiên chùa

Mùa thi năm 1979. Cậu học sinh nghèo Nguyễn Thành Nam lần đầu tiên rời khỏi vùng quê Đồng Tháp Mười, cùng mấy người bạn nghèo đi tàu đò, rồi lên xe đò vượt gần 200 cây số về Cần Thơ thi đại học. Đến nơi trước 1 ngày, vào trường thi làm các thủ tục đăng ký xong thì đã xế chiều. Các “hàn sĩ” lân la quanh trường tìm chỗ trọ vừa với túi tiền, thì hỡi ơi, tất cả đều kín người. Không có tiền ở khách sạn, không có phương tiện để tìm chỗ trọ xa hơn, Nam và các bạn đành phải ngủ nhờ dưới mái hiên một ngôi chùa cách không xa điểm thi để chờ hôm sau vào thi đại học.

Tháng 7 trời Cần Thơ hay mưa về đêm. Một cơn mưa rào ập đến lúc nửa đêm, những cậu học trò nghèo bị mưa tạt ướt, phải ngồi co ro chờ sáng. Hằng ngày Nam và các bạn phải đi bộ mấy cây số đến điểm thi... Kết quả kỳ thi năm ấy không phụ lòng cậu học trò nghèo, Nam đậu vào Đại học Cần Thơ, ngành sư phạm. Ra trường, anh trở về quê hương dạy học.

Từ hoàn cảnh mà mình đã trải nghiệm, thầy Nam rất thích thú Chương trình CTMP của Báo Lao Động. Chuẩn bị vào mùa thi năm học 2000 – 2001, Chương trình CTMP được phân bổ về tới Trường THPT Mộc Hoá. Với vai trò Chủ tịch CĐCS nhà trường, thầy Nam đã đứng ra tổ chức đưa các học sinh nghèo đi thi theo chương trình. Để rồi suốt 16 năm liên tục đã qua, năm nào thầy cũng đích thân đưa các học sinh nghèo trong huyện đi Cần Thơ thi đại học bằng “chiếc đò” Chương trình CTMP.

Trong số cả ngàn học sinh huyện Mộc Hoá đi thi đại học ở Cần Thơ trong mười mấy năm qua, có cô học trò Nguyễn Thị Ngọc Dung là con gái của thầy Nam. Sau khi tốt nghiệp khoa Kinh tế Đại học Cần Thơ, cô gái được giữ lại trường, tiếp tục học sau đại học tại Bỉ. Hiện cô đã có mái ấm gia đình, trở thành cư dân của đất Tây Đô. Thầy Nam cho biết, có rất nhiều học trò khác của thầy từng “qua đò” CTMP của Báo Lao Động giờ là giảng viên của Trường Đại học Cần Thơ hoặc thành đạt ở nhiều nơi.

Chỗ dựa của thí sinh nghèo vùng Đồng Tháp Mười

Bao thế hệ học sinh Trường THPT Mộc Hoá đã quen với hình ảnh người thầy có mặt rất sớm trên chuyến xe chở các học sinh nghèo ở vùng Đồng Tháp Mười về Cần Thơ dự lễ khai mạc Chương trình CTMP, rồi vào khu ký túc xá xem xét chỗ ở của các thí sinh, đợi cho đến khi các em thi xong, thầy trò mới cùng quay về.

Là một người gắn bó gần như suốt lịch sử của chương trình CTMP, thế nhưng, thật bất ngờ khi tại lễ khai mạc Chương trình CTMP năm 2014 thầy Nam nói: “Tôi mong Chương trình CTMP sẽ sớm kết thúc. Tôi năm nay đã 53 tuổi, nếu Chương trình CTMP còn tiếp tục, tôi sẽ tự nguyện gắn bó cho tới khi nghỉ hưu. Nhưng thật lòng, tôi mong sẽ tới lúc thí sinh không còn cần đến chương trình này nữa. Đất nước phát triển, đồng bằng mình cũng dần khá lên, thí sinh nghèo ngày càng ít đi, rồi sẽ đến lúc Chương trình CTMP hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình”. Thực tế cho thấy, số lượng thí sinh nghèo ở Mộc Hoá đăng ký tham dự Chương trình CTMP năm sau luôn thấp hơn năm trước. Điều đó phản ánh, hộ nghèo ở vùng Đồng Tháp Mười ngày càng giảm, hộ khá và giàu tăng lên. Nhiều gia đình có con thi đại học hùn nhau mướn xe dịch vụ đưa đi thi, có cả cha mẹ đi theo. “Tôi mong 1 chuyện tốt đẹp rồi sẽ kết thúc để mở ra bao điều tốt đẹp hơn!”, thầy Nam nói.

Đúng 1 năm sau, Chương trình CTMP đã chính thức khép lại sau 16 năm tồn tại và hoàn thành xuất sắc sứ mạng lịch sử của mình khi mà học sinh không còn về Cần Thơ thi đại học và người dân đồng bằng cũng đã khá lên, đủ sức lo cho chuyện học của con mình, như thầy Nam dự báo 1 năm trước đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn