MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù gặp khó khăn, thu nhập của phần lớn người lao động ở tỉnh Đắk Lắk vẫn được chủ doanh nghiệp đảm bảo. Ảnh: Bảo Trung

“Thế 3 chân” cùng vượt khó

BẢO TRUNG LDO | 12/07/2023 06:12

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp ở Đắk Lắk đã linh hoạt xoay sở để đảm bảo chế độ lương thưởng cho người lao động. Song song đó, tổ chức Công đoàn tiếp tục cải thiện chất lượng hoạt động; phía công nhân cũng đồng cam cộng khổ cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Người lao động đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp

Anh Y Tân H’ra (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: “Tôi đang làm cho một doanh nghiệp ở Cụm công nghiệp Tân An. Từ đầu năm đến nay tình hình kinh doanh của công ty không được tốt. Dù doanh nghiệp phải đối mặt với khoản nợ hơn 10 tỉ đồng ở ngân hàng nhưng gần 50 công nhân lao động ở công ty chưa bị sa thải, thu nhập vẫn ổn định, quyền lợi đảm bảo đúng theo hợp đồng đã kí. Anh em công nhân cũng thấu hiểu khó khăn của chủ doanh nghiệp nên cố gắng hết sức để làm việc, đồng cam cộng khổ trong thời điểm khó khăn”.

Một chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí (thuộc Cụm Công nghiệp Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: “Suy thoái kinh tế đã tác động rất lớn đến hoạt động của đơn vị, đơn hàng giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023. Trước tình hình trên, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi, mở thêm xưởng, vay vốn hoạt động thêm một ngành nghề khác ngay trong cụm công nghiệp nhằm cải thiện thu nhập, bù đắp các khoản lỗ thay vì sa thải công nhân lao động để giải quyết khó khăn về mặt tài chính”.

Nhờ linh hoạt xoay xở và tìm hướng đi phù hợp, nhiều chủ doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Tân An đã và đang hoạt động ổn định ngay trong thời điểm suy thoái kinh tế, giữ nguyên mức lương đã thỏa thuận cho người lao động. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, số lượng công nhân lao động bị sa thải, ngưng việc làm tại cụm công nghiệp này là khá ít.

Công đoàn thể hiện rõ vai trò

Để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri về việc làm, thu nhập, đời sống và chính sách pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, cuối tháng 5.2023, Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã cử 90 đoàn viên, người lao động tại 4 Công đoàn cơ sở trực thuộc tham gia buổi tiếp xúc cử tri (do Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức chuyên đề với công nhân, lao động) tại Khu Công nghiệp Hòa Phú trước kì họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Tại đây, các cán bộ, đoàn viên và công nhân lao động dự hội nghị đã phản ánh và kiến nghị, đề xuất những nội dung cụ thể, sát sườn như: vấn đề liên quan đến đầu tư kinh phí xây dựng đường vào Khu công nghiệp Hòa Phú; dành quỹ đất sớm quy hoạch, xây dựng các thiết chế văn hóa để công nhân lao động có nơi vui chơi, giải trí, giao lưu các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sau giờ làm việc; có chính sách ưu tiên, hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động, đặc biệt là công nhân lao động là người dân tộc thiểu số; ưu tiên vốn vay, đào tạo nâng cao tay nghề…

Ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk - nhận định: “Thời gian tới Công đoàn ngành sẽ tiếp tục đổi mới phương thức, đối với các công đoàn cơ sở theo hướng chuyển đổi cách thức chỉ đạo một chiều sang trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ, tổ chức cho các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ. Công đoàn ngành sẽ cùng với công đoàn cơ sở giải quyết vấn đề khó khăn vướng mắc trong quá tình hoạt động, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Cũng theo ông Tuấn, các đơn vị phải cân đối nguồn thu, chi và sử dụng quỹ hoạt động thường xuyên để tiếp tục tổ chức chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động nhằm thực hiện tốt chức năng của tổ chức Công đoàn kết hợp đẩy mạnh công tác kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn