MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mùa mưa lũ, những công nhân giao thông vùng cao Sơn La phải căng mình chạy đua với thời gian để đảm bảo giao thông thông suốt. Ảnh: Khánh Linh

Theo chân những công nhân giao thông vùng cao Sơn La mùa mưa lũ

Khánh Linh LDO | 21/06/2022 08:00
Sơn La -  Mùa mưa lũ, những công nhân giao thông vùng cao phải chạy đua với thời gian, khắc phục sự cố để đảm bảo giao thông thông suốt.

Gian nan, vất vả, hiểm nguy rình rập

Những ngày tháng 6.2022, trong cái nắng như đổ lửa xen từng cơn gió Lào bỏng rát, sau khi di chuyển gần 70km từ TP.Sơn La, PV đã có mặt tại ngã ba Huội Quảng, Quốc lộ 279D, đoạn qua địa phận huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Đây được coi là điểm đen sạt lở trên tuyến Quốc lộ nối hai huyện Mường La, tỉnh Sơn La và huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. 

Tại đây, chiếc máy xúc đang hoạt động hết công suất để gạt lớp đất đá bị sạt trượt ra khỏi tuyến, mở đường cho những chiếc xe chở đầy xoài, chuối của bà con vùng cao Sơn La  đưa về hướng Lai Châu tiêu thụ. 

 Giữa trời nắng nóng, những công nhân vẫn miệt mài với công việc.

Cách đó không xa, vài công nhân khẩu trang kín mít, lưng áo ướt đẫm mồ hôi đang cắt cỏ và vét bỏ lớp bùn đất làm chắn dòng chảy ở cống rãnh hai bên ven đường.

Gạt đi những giọt mồ hôi trên gương mặt đã sạm đi vì nắng gió bụi đường, chị Lò Thị Khuyên (25 tuổi) - công nhân Công ty cổ phần quản lý và xây dựng giao thông I Sơn La) cho biết: "Khi mới vào nghề, không nghĩ điều kiện làm việc lại vất vả, cực nhọc như thế, nhưng lâu dần rồi cũng quen, giờ lại thấy yêu và mến nghề".

Theo chị Khuyên, đã hơn một năm nay gắn bó với nghề, những vất vả, vui buồn đều đã trải qua. Vào mùa mưa lũ, nhiều hôm đang chuẩn bị ăn cơm nhưng nghe tin có sạt lở lại cố gắng ăn vội vàng để có mặt xử lý sự cố. 

"Thậm chí có những ngày phơi mặt ngoài đường từ sáng sớm đến tối mịt, rủi ro tai nạn luôn rình rập nhưng nhìn thấy những con đường được êm thuận, thông suốt thì mọi mệt mỏi đều tan biến" - nữ công nhân trẻ bộc bạch. 

 Điểm sạt ở ở ngã ba thủy điện Huội Quảng, Quốc lộ 279D, đoạn qua huyện Mường La, tỉnh Sơn La thường xuyên xảy ra sạt lở gây ách tắc mùa mưa lũ.

Cách ngã ba Huội Quảng khoảng 20km, tại cầu Na Co, tiểu khu 2, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, đầu cầu đã bị sạt lở do cơn mưa lớn vừa qua, có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cầu do ở vị trí nguy hiểm. 

Trong dòng nước lũ mới rút còn đỏ au bùn đất, những công nhân đang dầm mình để cùng với máy móc, thiết bị hỗ trợ nhanh chóng khắc phục sự cố.

Anh Trần Văn Khoái (45 tuổi, quê Hải Dương) chia sẻ: "Với đặc thù tỉnh miền núi, việc sạt lở, đá lăn diễn ra thường xuyên, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Lúc đó, những công nhân giao thông luôn phải trong trạng thái sẵn sàng nhận nhiệm vụ".

Theo anh Khoái, anh đã gắn bó với những cung đường của tỉnh vùng cao Sơn La được gần 8 năm, đã không ít lần đi xử lý điểm sạt lở, máy móc và công nhân làm ở dưới, đá liên tiếp lở xuống từ phía trên, nguy hiểm vất vả không kể đâu cho hết.

"Nhưng nghề chọn người thì mình cố gắng làm cho tốt, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì vất vả dành cho ai" - anh Khoái bộc bạch.

 Dù khó khăn, vất vả nhưng những công nhân giao thông vẫn không quản ngại nắng mưa, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.

Khắc phục khó khăn, gắn bó với những con đường

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Công ty cổ phần quản lý và xây dựng giao thông I Sơn La: "Hiện công ty có hơn 100 làm việc tại các hạt quản lý đường bộ, các bộ phận chuyên trách chuyên làm công tác duy tu, sửa chữa các tuyến đường giao thông, cầu đường bộ trên tổng số 514km đường tỉnh lộ và Quốc lộ. 

Theo ông Hùng, những năm gần đây, công tác chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân được lãnh đạo công ty đặc biệt quan tâm. Ngoài thực hiện chế độ tiền lương theo cơ chế khoán, công ty còn thực hiện nghiêm túc các chế độ về bảo đảm vệ sinh an toàn lao động cho công nhân.

"Tuy nhiên, dù làm công việc nặng nhọc trong môi trường vất vả, khắc nghiệt nhưng mức lương trung bình của công nhân giao thông chỉ đạt chưa đầy 5 triệu/tháng, chỉ vừa đủ chi tiêu trong gia đình.

Trăn trở nhất của lãnh đạo công ty hiện nay là làm sao để nâng cao thu nhập cho người lao động. Để làm được điều này, đơn vị đã cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đồng thời tìm kiếm việc làm mới và đầu tư trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao hiệu quả công việc" - vị lãnh đạo cho biết thêm. 

Chia tay những công nhân giao thông với "nắng bụi, mưa dầm, sửa cầu đêm" mới thực sự hiểu rằng để có những con đường thông suốt, những cây cầu nối bờ vui là biết bao công sức, mồ hôi của những công nhân giao thông miệt mài dầm mưa, dãi nắng, dành trọn cả tuổi thanh xuân cho những công trình. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn