MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đồng chí lãnh đạo Tổng LĐLĐVN chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: Hải Nguyễn

Thi đua phải xuất phát từ lợi ích của người lao động

Bảo Hân - Tú Quỳnh LDO | 28/09/2020 11:46
Chiều 27.9, nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội Thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) lần thứ X, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “CNVCLĐ thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, phát triển bền vững đất nước”.

Tham dự buổi toạ đàm có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương; Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Tổng LĐLĐVN; các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Trần Văn Thuật, Ngọ Duy Hiểu.

Nhiều cách làm hay mang lại hiệu quả cao

Tại buổi toạ đàm, đồng chí Đặng Xuân Thu - Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Tập đoàn Prime (Vĩnh Phúc) - chia sẻ kinh nghiệm tổ chức phong trào thi đua đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của CĐ. Theo đó, để phong trào: “Sáng kiến - tiết kiệm” được thường xuyên liên tục và đạt hiệu quả cao, CĐ đã tư vấn với Tổng Giám đốc ban hành “Quy chế hoạt động sáng kiến”; tổ chức đăng ký sáng kiến, thành lập tổ hỗ trợ thực hiện sáng kiến ở tất cả CĐ công ty (Cty) thành viên, thẩm định về báo cáo kinh tế, kỹ thuật để xác định giá trị làm lợi.

“Đối với những sáng kiến được công nhận, hội đồng sáng kiến xem xét phê duyệt ra quyết định thưởng sáng kiến. Sáng kiến tính được giá trị làm lợi bằng tiền thì sau khi được công nhận, tác giả được thưởng theo % giá trị làm lợi/năm. Những người hỗ trợ sáng kiến thì được thưởng bằng 30% mức thù lao cho tác giả sáng kiến. Đối với sáng kiến không tính ra giá trị làm lợi bằng tiền, như sáng kiến liên quan đến cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện môi trường hoặc hợp lý hóa trong các quy trình… mức tính thưởng cho tác giả được tính theo khả năng áp dụng” - đồng chí Đặng Xuân Thu cho biết.

Nhờ cách làm này, phong trào được toàn thể CNLĐ tập đoàn hưởng ứng, từ đó tiết giảm định mức kinh tế kỹ thuật; môi trường làm việc được an toàn, thân thiện hơn; động viên người lao động (NLĐ) tích cực phát huy nhiều sáng kiến hơn nữa.

Ngoài ra, để phong trào phát triển rộng rãi, có chất lượng, hằng năm, Tập đoàn Prime còn phối hợp với CĐ tổ chức Hội thi sáng kiến cấp tập đoàn. Mỗi CĐ Cty thành viên lựa chọn 1 sáng kiến tiêu biểu nhất tham dự hội thi. Sáng kiến đạt giải nhất cấp tập đoàn sẽ được lựa chọn tham dự Hội thi cấp quốc tế trong Hệ thống SCG.

Đồng chí Bùi Xuân Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực CĐ Bộ Tài chính - nêu bật hiệu quả của phong trào thi đua ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của CĐ Bộ Tài chính. Theo đó, phong trào thi đua ứng dụng CNTT trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong những năm qua đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN) ở tất cả lĩnh vực hoạt động của Bộ Tài chính. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện rà soát cắt giảm 296 TTHC, đơn giản hóa 1.138 TTHC; quyết định phê duyệt phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 190/370 điều kiện kinh doanh và triển khai ứng dụng CNTT trong hầu hết nghiệp vụ tài chính…

Cần hướng phong trào vào những vấn đề còn bức xúc

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu còn đóng góp những ý kiến để phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới ngày càng hiệu quả hơn nữa.

Đồng chí Phan Thị Hồng Đào - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Tây Ninh - cho rằng, trong công tác thi đua, cần thực hiện tốt công tác bình xét, khen thưởng và đề nghị khen thưởng, đảm bảo khen thưởng được công khai, công bằng, kịp thời, động viên các tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như thực hiện phong trào thi đua yêu nước, ưu tiên xét, khen thưởng cho các tập thể nhỏ, cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, cá nhân là lao động nữ, cá nhân công tác tại vùng sâu, biên giới.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch CĐ Khu công nghiệp Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - thì nói rằng, khi tổ chức phong trào thi đua cần đề ra mục tiêu cụ thể, thiết thực, rõ ràng, gắn với nhiệm vụ chính trị, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; phát động CNVCLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực, thành phần kinh tế gắn với tổ chức lại sản xuất, hợp lý hóa quy trình, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của từng ngành, từng lĩnh vực.

Từ thực tiễn hoạt động, đại diện LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh cho rằng, để các phong trào thi đua hiệu quả hơn, cần nâng cao nhận thức về vai trò của công tác thi đua khen thưởng. Theo đó, thi đua phải xuất phát từ lợi ích tập thể và lợi ích NLĐ. Cùng với đó, để phong trào thi đua, khen thưởng được duy trì thường xuyên, liên tục và đúng hướng, yếu tố có tính quyết định là phải được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa CĐ với chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và DN. Thực tế cho thấy, nơi nào có sự phối hợp chặt chẽ, nơi đó phong trào thi đua thực sự đem lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, phong trào thi đua muốn đạt được hiệu quả thiết thực phải xác định mục tiêu, tập trung vào những vấn đề mấu chốt, hướng phong trào vào những khâu yếu, những việc khó, những vấn đề bức xúc, tồn tại đang đặt ra để tập trung giải quyết, trên cơ sở đó xây dựng nội dung và tiêu chuẩn thi đua phải thật cụ thể, sát với nhiệm vụ chính trị của từng tập thể, từng cá nhân…

Đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, các báo cáo tham luận được trình bày tại buổi toạ đàm rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực, thành phần, ở nhiều góc độ khác nhau; đề xuất các giải pháp khả thi, khắc phục những hạn chế để nâng cao hiệu quả phong trào thi đua.

Đồng chí tin tưởng rằng, sau buổi toạ đàm, sẽ có nhiều mô hình mới, cách làm hay được tiếp tục lan toả, từ đó, thực hiện tốt mục tiêu của từng cơ quan, đơn vị, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết, trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, các cấp CĐ cần tiếp tục phát huy các sáng kiến sáng tạo, đổi mới trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần khắc phục các khó khăn, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các phong trào thi đua phải gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh.

“Đổi mới hình thức thi đua khen thưởng phải hướng tới những hoạt động phù hợp với từng cơ quan, DN; đánh giá đúng người, đúng thành tích; khen thưởng phải dân chủ, công khai; chú trọng phát hiện và bồi dưỡng nhân rộng các điển hình tiên tiến. Công tác thi đua khen thưởng phải góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ có đủ trình độ, phẩm chất, đạo đức đáp ứng yêu cầu của hoạt động CĐ trong bối cảnh mới” - đồng chí Nguyễn Đình Khang nói.

Chiều 27.9, đoàn đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước CNVCLĐ toàn quốc lần thứ X đã làm lễ báo công và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn do đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - làm Trưởng đoàn. Tham dự còn có các đồng chí: Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN; Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật.

Phát biểu báo công dâng Bác, thay mặt đoàn, đồng chí Trần Thanh Hải hứa rằng, Tổng LĐLĐVN sẽ phát huy những thành tích đạt được trong thời gian qua; quan tâm, bồi dưỡng và phát triển các điển hình tiên tiến, tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến là đầu tàu của phong trào thi đua yêu nước, xây dựng phong trào có bước phát triển mới, đóng góp tích cực hơn cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đất nước.

Bảo Hân - Trần Kiều

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn