MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp phỏng vấn online với người lao động. Ảnh Anh Thư

Thị trường lao động "chao đảo" trong năm 2021

ANH THƯ LDO | 16/01/2022 17:36

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, thu nhập của người lao động giảm.

Trong bối cảnh này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp.

Từ đó, kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động; tăng cường thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến; chỉ đạo thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Các địa phương cũng đã chủ động thực hiện linh hoạt các phương thức sản xuất; có giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe, an toàn và đời sống cho người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp tập trung.

Từ đó, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ việc làm cho lao động từ vùng dịch trở về địa phương...

Trong quý IV/2021, các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhằm sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thị trường lao động cuối năm có dấu hiệu phục hồi khi số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tăng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm so với quý III/2021.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tuy nhiên, tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước.

Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ở mức cao là 4,42%; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,33%.

Công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 do nhiều quốc gia đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội và không tiếp nhận lao động.

Ước thực hiện cả năm đưa khoảng 45 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đánh giá về thị trường lao động trong năm qua, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết: "Chúng ta cũng biết là trong suốt 2 năm, đặc biệt là cuối 2021 cũng có rất nhiều đánh giá về tác động của COVID-19 trên mọi mặt của đời sống trong đó có thị trường lao động".

Những con số thống kê cũng đã chỉ ra các tác động nặng nề của đại dịch này đối với thị trường lao động. "Bắt đầu từ 27.4 đến nay, chúng ta thấy các doanh nghiệp lúc đóng lúc mở, lúc nào cũng trong trạng thái trực chiến. Tác động của dịch bệnh không chỉ trước mắt mà còn là lâu dài" - bà Hương nói.

Theo bà Hương, nếu không có đại dịch thì mỗi năm chúng ta tạo ra 1 triệu việc làm. Có thể thấy, dịch bệnh đã tác động lên tất cả công dân, nặng nề nhất với những người không có thu nhập ổn định.

Chuyên gia này cũng dự báo thị trường lao động trong năm 2022 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thiện các đơn hàng phục vụ cho dịp lễ Tết Nguyên đán sắp đến. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn