MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp, nhất là khu vực phía Nam ra thông báo tuyển dụng lao động sau Tết. Ảnh: Lan Như

Thị trường lao động dần sôi động theo đà tăng trưởng kinh tế

Quỳnh Chi LDO | 24/02/2021 07:53
Sau Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và cũng là cao điểm của đợt tuyển dụng trong năm, bức tranh việc làm có nhiều “mảng màu” khác nhau. Về cơ bản, biến động cung - cầu nhân lực không nhiều mà chỉ có sự biến động lao động đầu năm. Theo các chuyên gia, thị trường lao động sẽ “sáng” dần theo đà tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Hà Nội: Tuyển dụng lao động tăng trưởng nhẹ

Trao đổi với Báo Lao Động ngày 23.2, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, sau Tết, nhu cầu tuyển dụng có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, nhóm ngành sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại chiếm tới hơn 50% nhu cầu tuyển dụng.

Cụ thể, theo số liệu thống kê tại hệ thống Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng lao động và tìm kiếm việc làm sau Tết Nguyên đán năm 2021 (từ ngày 17.2 - 22.2.2021) như sau: Số doanh nghiệp (DN) đăng ký giao dịch qua Trung tâm: 86 DN với tổng nhu cầu tuyển dụng: 3.610 chỉ tiêu. Đáng lưu ý, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại, chiếm trên 50%; tiếp đến là lĩnh vực dệt may, cơ khí, thương mại - dịch vụ với các vị trí tuyển dụng như công nhân may, thu ngân, bán hàng, thợ hàn… Số lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm trên địa bàn là 357 người, số lao động được kết nối việc làm là 286 người; số lao động được nhận hồ sơ - trúng tuyển là 90 người.

Báo cáo từ 30 quận, huyện, thị xã, Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ban quản lý các KCN và CX Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cũng cho thấy, tính đến ngày 17.2.2021, có 90,6% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 94,5% số người lao động trở lại làm việc (Tập trung ở các doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp và chế xuất, ngành Dệt may, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn).

Qua các kênh thu thập thông tin của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng nhẹ so với năm 2020 (phần lớn là do năm 2020 mới bị ảnh hưởng nên các doanh nghiệp và người lao động chưa có kịp sự chuẩn bị kỹ càng và kịp thời) nhưng vẫn còn khá chậm so với các năm chưa bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhiều DN đã chuẩn bị nhiều phương án, kế hoạch dự phòng cho việc bùng phát trở lại của dịch COVID-19 nên đã không bị ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cuối tháng 1 - trước Tết Nguyên đán, từ diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều DN đã chủ động thực hiện các biện pháp giữ chân người lao động ở lại thành phố ăn Tết và triển khai sớm công việc trong những ngày đầu năm mới, điều này đã giúp cho các hoạt động ở các DN tương đối ổn định.

“Kinh tế Việt Nam như một người trẻ”

Lạc quan về tình hình dịch bệnh cũng như tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội (Bộ LĐTBXH) cho rằng, thị trường việc làm trong ngắn hạn sẽ không có nhiều biến động. Bên cạnh đó, do kinh tế Việt Nam như một người trẻ, nhiều cơ hội để tăng trưởng tốt.

Đánh giá về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp năm nay so với các năm trước (khi chưa có dịch COVID-19) rất thấp, bà Hương chỉ ra các nguyên nhân cụ thể. Theo đó, khi kinh tế tăng trưởng thấp thì đương nhiên cầu lao động bị ảnh hưởng. Thứ hai, tuyển dụng không nói lên cầu mà nó chỉ nói lên biến động lao động. Năm nay, vì dịch nên rất nhiều công nhân ở lại ăn Tết mà không về quê. Hiện tượng nhảy việc sau Tết, không lên hoặc chuyển việc đã hạn chế rất nhiều. “Đầu năm, thị trường lao động chỉ nói lên sự linh hoạt chứ không nói lên tổng cầu. Nhu cầu tuyển dụng đầu năm chỉ phản ánh mức độ giao động của thị trường lao động. Tổng cầu thị trường phải là tổng nguồn nhân lực, rồi bao nhiêu người phải tuyển mới, bao nhiêu người phải sa thải,...” - bà Hương nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hương, năm qua kinh tế bị kìm hãm bởi dịch COVID-19, thời gian đầu có thể các doanh nghiệp không kịp điều chỉnh nhưng bây giờ đã điều chỉnh rồi, phía cầu cơ bản không tăng nữa. “GDP tăng mấy phần trăm, cầu khó tăng do toàn bộ mảng sử dụng nguồn nhân lực theo chuỗi như dịch vụ, logistic, du lịch, ăn uống,… đều bị ảnh hưởng. Trong khi, đây chính là nhóm thu hút nhiều lao động”, bà Hương nói.

Nhận định về tình hình lao động, thị trường việc làm trong ngắn hạn, bà Hương cho rằng xu thế sẽ ấm lên. Bắt đầu vào quý 2, cả thế giới vào thời kỳ phục hồi khi các nước đều cơ bản kiểm soát được dịch, trong nước chúng ta cũng triển khai các đợt tiêm phòng... Chắc chắn Việt Nam sẽ trỗi dậy hậu COVID-19, đặc biệt lĩnh vực kinh tế số, xuất khẩu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn