MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Vũ Minh Tiến Ảnh: TGCC

Thị trường lao động đang và cần chuyên gia không phụ thuộc vào tuổi

Thu Trà thực hiện LDO | 04/01/2022 11:41
Nhiều người lao động sau khi nghỉ hưu vẫn muốn tiếp tục cống hiến cho đời. Xã hội vẫn đang có nhiều cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về vấn đề này. Báo Lao Động đã phỏng vấn TS Vũ Minh Tiến - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn.

Thưa ông, quan điểm của ông về vấn đề người lao động mong muốn tiếp tục cống hiến trí tuệ, sức lực sau khi họ đến tuổi nghỉ hưu như thế nào?

- Tôi hoàn toàn ủng hộ mong muốn chính đáng này của người lao động. Việc mong muốn tiếp tục làm việc, với công việc phù hợp theo sức khoẻ, thời gian, khả năng của mỗi người lao động sau khi họ đến tuổi nghỉ hưu vừa đáp ứng nhu cầu cá nhân về kinh tế, tâm lý, tinh thần vừa đáp ứng nhu cầu xã hội, đóng góp thêm việc làm ra của cải, vật chất, dịch vụ hữu ích cho xã hội.

Đặc biệt như với những chuyên gia, lao động tay nghề cao trong các lĩnh vực quản lý, y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học,  những người lao động khác còn sức khoẻ, khả năng trong các ngành nghề sản xuất kinh doanh khác.

Ngoài ra, đây cũng là quyền lao động của người lao động. Pháp luật còn khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi, cũng như chống phân biệt đối xử vì lý do tuổi. Người sử dụng lao động và những người lao động khác không được đối xử thiếu thiện chí, không công bằng với người lao động cao tuổi.

Theo ông, nếu tiếp tục tham gia làm việc sau khi đã đến tuổi nghỉ hưu thì có những ảnh hưởng gì đến người lao động không, ví dụ như về sức khoẻ, độ minh mẫn?

- Tuỳ từng trường hợp mà có thể là ảnh hưởng tích cực hoặc ảnh hưởng tiêu cực và mức độ ảnh hưởng với mỗi người là khác nhau. Căn cứ vào sức khoẻ, nhu cầu bản thân để lựa chọn công việc phù hợp, theo tôi, thì sẽ có ảnh hưởng tích cực nhiều hơn tiêu cực rất nhiều, cả về rèn luyện sức khoẻ, trí tuệ, tâm lý, thu nhập, quan hệ giao tiếp vui vẻ. Nhằm bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích của người lao động cao tuổi khi tham gia lao động, pháp luật cũng đặt ra một số điều kiện, yêu cầu đặc biệt khi sử dụng lao động độ tuổi này.

Xã hội, các cơ quan nên đón nhận việc người lao động tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu như thế nào, thưa ông?

- Đây là xu hướng phát triển của thị trường lao động ở Việt Nam trong thời gian tới, khi mà mức độ già hoá dân số, cầu lao động tăng cao, sức khoẻ và tuổi thọ của người dân được nâng lên. Đặc biệt, thị trường lao động đang và sẽ rất cần những chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, lao động siêng năng không phụ thuộc vào tuổi. Nếu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp biết khai thác sử dụng nguồn lực tinh tuý này sẽ là lợi thế lớn và mang lại lợi ích cho cả 2 phía: Người lao động và người sử dụng lao động, ví dụ như các bệnh viện, trường học, cơ sở nghiên cứu, vị trí quản lý, rồi kể cả lao động phổ thông trong nhiều ngành nghề.

Đối với người lao động trong các doanh nghiệp (lao động chân tay) thì nên nhìn nhận việc này như thế nào?

- Luật Việc làm, Bộ luật Lao động không quy định về độ tuổi lao động tối đa. Tuy nhiên, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động khi họ đến tuổi nghỉ hưu. Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu có thể tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động cũ hoặc mới và khi đó 2 bên có thể thoả thuận giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều lần (không bị hạn chế số lần liên tục). Quyền, nghĩa vụ của 2 bên cũng có một số điểm khác biệt so với lao động khác.

Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu, cần căn cứ vào nhu cầu, sức khoẻ, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của bản thân để tự do quyết định việc tiếp tục làm việc nữa hay không, rồi làm công việc gì, ở đâu, với ai; trong điều kiện lao động thể nào, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, lương thưởng ra sao.

Theo cá nhân tôi, xét vào điều kiện cụ thể, nếu tìm được công việc phù hợp khi sức khoẻ và tâm lý còn cho phép, thì nên tiếp tục tham gia lao động vì vừa ích nước, vừa lợi nhà, thực hiện “sống vui, sống khoẻ, sống có ích”.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn