MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên ngành Cơ điện tử, khoa Chất lượng cao Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đang vận hành máy in 3D. Ảnh: Chân Phúc

Thị trường lao động “khát” kỹ sư, khối ngành kỹ thuật chật vật tìm sinh viên

Chân Phúc LDO | 17/08/2023 09:08

Trong những năm gần đây, khối ngành kỹ thuật ít được sinh viên ưu tiên. Thay vào đó, nhóm ngành khoa học xã hội được nhiều sinh viên lựa chọn. Các chuyên gia lo ngại điều này có thể gây mất cân bằng thị trường lao động trong tương lai.

Khối khoa học xã hội lấy điểm gần tuyệt đối

Mùa tuyển sinh 3 năm trở lại đây chứng kiến sự “lên ngôi” của khối ngành xã hội. Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM, ngoài những ngành “hot” như báo chí, quan hệ quốc tế, du lịch, nhiều ngành khác lấy điểm chuẩn trên 25 như: Văn hóa học, Việt Nam học, Xã hội học, Quản trị văn phòng, Quản lý thông tin, Văn học.

Điều này cũng diễn ra tương tự tại 2 cơ sở đào tạo khối Khoa học xã hội ở phía Bắc là Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội và Học viện Báo chí tuyên truyền. Những ngành như: Báo chí, quan hệ công chúng, Đông phương học, Hàn Quốc học của đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội luôn trên 28 điểm.

Ở chiều ngược lại, khối ngành kỹ thuật có phần “hạ nhiệt”, năm 2022, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM lấy điểm chuẩn 15-16 ở hầu hết các ngành. Tức chỉ cần đạt 5-6 điểm mỗi môn, thí sinh có thể đậu nhiều ngành như: Khai thác máy tàu thủy và quản lý kỹ thuật, cơ khí, điện tử - viễn thông, môi trường, xây dựng...

 Các chuyên gia lo ngại điều này có thể gây mất cân bằng thị trường lao động trong tương lai. Ảnh minh hoạ: Chân Phúc

Cơ sở giáo dục đào tạo khối ngành kỹ thuật lớn nhất phía Nam là Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TPHCM cũng chỉ lấy điểm chuẩn 22 - 23,5 với những ngành xây dựng, kỹ thuật dệt, công nghệ dệt may, kỹ thuật vật liệu… trong năm 2021.

Ngành Kỹ thuật Địa chất có chỉ tiêu hàng năm là 30, nhưng trong 3 năm 2019, 2020 và 2022, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM cũng chỉ tuyển được lần lượt 4, 9 và 10 sinh viên.

Các ngành Khoa học môi trường, Công nghệ kỹ thuật môi trường cũng giảm gần một nửa số sinh viên nhập học, từ hơn 100 xuống trên 60.

Thí sinh học theo “trend”

ThS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang - cho rằng, kỹ thuật là khối ngành hiện đang rất khát nhân lực, nhưng sinh viên theo học không nhiều. Nguyên nhân bởi các ngành kỹ thuật học khó hơn, thời gian đào tạo kéo dài hơn.

 Mùa tuyển sinh 3 năm trở lại đây chứng kiến sự “lên ngôi” của khối ngành xã hội. Ảnh minh hoạ: Chân Phúc

“Các ngành kỹ thuật hiện đang có nhiều ưu điểm với người học như: Điểm chuẩn không quá cao, chi phí trường đầu tư lớn, học phí vẫn thấp hơn các ngành khác, ra trường đảm bảo có việc làm” - ông Tuấn nói.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM - cho biết, thí sinh ít đăng ký vào khối ngành kỹ thuật khiến điểm chuẩn giảm.

Vị chuyên gia tôn trọng việc lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh, nhưng bày tỏ băn khoăn việc này sẽ tạo nên thị trường lao động mất cân đối trong tương lai.

“Có lẽ giới trẻ ngày nay định hướng làm những công việc theo thị hiếu, cho là có thu nhập cao như truyền thông, marketing, hơn là trở thành kỹ sư - ngành học đòi hỏi sự khắt khe về nghề, làm việc ở môi trường vất vả” - ông Nhân bày tỏ.

Người trẻ chê học nông lâm

Không chỉ khối ngành kỹ thuật, nhóm ngành nông lâm cũng có bức tranh tuyển sinh ảm đạm trong nhiều năm trở lại đây.

Điểm chuẩn vào các ngành: Lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, nông học của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM chỉ ở mức 15 - 16 điểm. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - thừa nhận thực trạng các trường đào tạo khối ngành nông lâm trên cả nước có tỉ lệ nhập học chưa tới 50%, trong khi nhu cầu nhân lực rất cao.

Ông Hùng đưa ví dụ, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cấp học bổng, trả học phí cho sinh viên ngành lâm nghiệp và bảo đảm việc làm khi tốt nghiệp nhưng nhà trường vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu.

“Có lẽ do các em nghĩ rằng học ngành nông nghiệp khó xin việc làm. Nhưng hiện nay đã khác, không còn chuyện con trâu đi trước cái cày theo sau. Nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hóa, tự động hóa nên rất cần nhân lực được đào tạo bài bản. Học nông nghiệp hoàn toàn có thể làm giàu” - ông Hùng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn