MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp đăng thông báo tuyển dụng lao động. Ảnh: TT

Thị trường lao động khởi sắc: Cung ứng kịp thời nhân lực cho doanh nghiệp

ANH THƯ LDO | 13/10/2022 15:00
Những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng lao động. Các chuyên gia dự báo lĩnh vực dịch vụ, công nghệ thông tin, ngân hàng, Logistics… sẽ có nhu cầu cao về nhân sự.

Tìm nguồn cung lao động cho doanh nghiệp

Chị Trần Nguyễn Hoà Bình - trưởng phòng nhân sự Newworld Group, đơn vị chuyên về đồ nội thất cho biết, từ nay đến cuối năm, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng 30 vị trí kinh doanh, marketing, thiết kế với mức lương từ 7-12 triệu đồng. Ở mỗi vị trí sẽ có yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm khác nhau. Phần lớn những vị trí mà công ty tuyển dụng đều là lao động đã qua đào tạo.

Để đẩy mạnh việc tuyển dụng, công ty đã tìm đến các trung tâm dịch vụ việc làm để tăng cường kết nối người lao động. Chị Bình hi vọng qua các phiên giao dịch việc làm sẽ giúp công ty chị tuyển dụng số lượng nhân sự theo yêu cầu.

Đánh giá về tình hình lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Huế - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Mới đây, trung tâm đã nhận nhiều yêu cầu tuyển dụng lao động từ phía các doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có doanh nghiệp cần đến 10.000 lao động. Qua thu thập thông tin, chúng tôi dự báo từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp của Bắc Giang cần khoảng 20.000 lao động”.

Để cung đủ số lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối hợp tích cực với các cơ sở đào tạo nghề, qua đó nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo của địa phương. Bên cạnh đó, trung tâm thường xuyên kết nối việc làm đến các tỉnh lân cận như Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang… để tiềm kiếm lao động cho doanh nghiệp.

Còn tại TP.Hồ Chí Minh, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, dự kiến 3 tháng cuối năm 2022, thành phố sẽ cần 69.500 - 77.100 lao động để phục vụ sản xuất các đơn hàng Tết.

Nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ chốt, đặc biệt tăng cao ở nhóm thương mại - dịch vụ; công nghiệp - xây dựng... Khảo sát của đơn vị này cho thấy, nhu cầu tuyển dụng dịp cuối năm chủ yếu là lao động đã qua đào tạo, chiếm đến 84%, song cuối năm cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp sẽ ồ ạt tuyển dụng lao động bán thời gian để phục vụ đợt cao điểm dịp Tết, chiếm 15%.

Cần có phương án tuyển dụng lao động dài hơi

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay: “Những tháng cuối năm, chúng ta hết sức phấn khởi với thị trường lao động Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng, phục hồi kinh tế sẽ làm cho thị trường lao động trở lên sôi động. Nhu cầu tuyển dụng lớn, đặc biệt những vùng kinh tế trọng điểm của đất nước”.

Chuyên gia này cho rằng, những ngành nghề sẽ “khát” lao động tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, gia công, chế biến, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, logistics, nhóm ngành nghề nổi lên chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp, giáo dục đào tạo, y tế… Đặc biệt, doanh nghiệp có nhu cầu về lao động qua đào tạo lớn hơn là trình độ phổ thông.

Trao đổi về vấn đề nhiều doanh nghiệp kêu khó tuyển dụng lao động, ông Trung cho rằng, nguyên nhân do trình độ đào tạo của người lao đông chưa phù hợp với nhu cầu công việc, đòi hỏi của doanh nghiệp. Mặt khác, thời gian trước đây bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, người lao động đã chuyển hướng, tự tổ chức sản xuất tại quê nhà. Cho nên, nguồn cung lao động bị hạn chế.

“Một nguyên nhân nữa ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động là do thông tin dự báo về thị trường lao động ở các cấp còn hạn chế. Nhu cầu sử dụng lao động trong tương lai cần phải tăng cường đánh giá, dự báo” - ông Trung nói.

Để giải quyết tình trạng trên, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cho rằng, công tác quy hoạch, bố trí doanh nghiệp cần phân bổ đều các địa phương. Như vậy, doanh nghiệp sẽ cung ứng việc làm đến “chân” người lao động. Bên cạnh đó, cần  đẩy mạnh công tác đào tạo, hướng nghiệp cho người lao động từ khi học phổ thông.

“Hơn nữa, cần đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu ngắn hạn, trung hạn. Doanh nghiệp cũng phải cải tiến, phối hợp với cơ sở đào tạo để nâng cao trình độ, tay nghề của người lao động. Mỗi địa phương cần xây dựng đề án cung ứng lao động. Bên cạnh doanh nghiệp cần có phương án sử dụng lao động, có thời gian từ 3-6 tháng cho cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị cung ứng lao động theo yêu cầu” - ông Trung nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn