MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các diễn giả chia sẻ về Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018. Ảnh: P.V

Thị trường lao động là chìa khóa để tăng năng suất

ĐẶNG TIẾN LDO | 09/05/2018 10:22
Ngày 8.5, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội và Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR) đã công bố Báo cáo thường niên kinh tế VN 2018. Với tiêu đề “Hiểu thị trường để tăng năng suất lao động”, báo cáo đã đi sâu vào các vấn đề năng suất lao động, thị trường lao động, tiền lương, sự lựa chọn nghề… để tăng năng suất, tăng thu nhập cho người lao động.

Phần lớn lao động làm việc trái nghề

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, tăng trưởng nội bộ và chuyển dịch lao động đã có những tác động đến tăng NSLĐ. Nhưng đang có một vấn đề bất cập là hiện đang có sự chuyển dịch LĐ ồ ạt từ nông thôn ra khu vực công nghiệp trong khi họ chưa có đủ điều kiện để làm công việc mới, do đó vấn đề về tiền lương sẽ không được đảm bảo. Qua đó, những khu vực được coi là đầu tàu của tăng trưởng như FDI, DN tư nhân có vốn đầu tư lớn thì NSLĐ lại thấp, dẫn đến thu nhập của NLĐ thấp.

Nguyên nhân chính của việc NSLĐ thấp là thiếu LĐ có trình độ chuyên môn, tay nghề. Trong khi đó LĐ phổ thông (LĐ chưa được qua đào tạo nghề) còn cao, nhất là tại các DNNVV, do đó NSLĐ tại các DN này không cao.

Cùng đó, PGS-TS Vũ Minh Khương cho rằng hiện VN đang có quyết tâm đổi mới để đưa đất nước phát triển, chúng ta đã thay đổi tư duy, đầu tư hạ tầng kinh tế tạo cộng hưởng để tăng NSLĐ. Các DN muốn phát triển cần phải có lựa chọn chiến lược, nắm bắt cơ hội cả về chất lượng và sáng tạo để nâng cấp nguồn lực.

Nhưng hiện một tỉ lệ lớn LĐ trẻ làm việc trong DNNVV và hộ gia đình không đúng với chuyên môn đào tạo, do vậy không có điều kiện để tích lũy kỹ năng lao động và phần lớn số này không được tham gia BHXH, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của NLĐ. Điều này cho thấy nguy cơ NSLĐ sẽ không được cải thiện trong tương lai với nhiều rủi ro hơn.

Năng suất quyết định thu nhập

Theo TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), tỉ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tại VN tăng rất nhanh từ 25% năm 2007 lên 50% năm 2015. NSLĐ của VN chủ yếu dựa vào sự dịch chuyển LĐ giữa các ngành từ năng suất thấp lên năng suất cao, nhưng hiện đang có sự dịch chuyển ồ ạt mà không có sự kiểm soát và liên kết giữa các ngành với nhau thì vô hình lại kéo năng suất xuống. Do vậy muốn tăng NSLĐ cần phải có sự cải cách về thể chế, công nghệ, thị trường LĐ…

Và vì vậy, cần phải nâng cao hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề, hướng nghiệp nghề cho NLĐ. Hiện mức lương của NLĐ được quy định theo mức lương tối thiểu và đa số NLĐ đang được trả lương cao hơn mức tối thiểu. Nhưng đây chỉ là lý thuyết vì hiện NLĐ đang thực hiện 2 hệ thống lương là lương thực lĩnh và lương tối thiểu, nhiều DN đã lợi dụng để đóng BHXH cho NLĐ thấp ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Báo cáo cũng chỉ rõ, mặc dù các DN Việt đã đạt được tăng trưởng năng suất tương đối cao với tốc độ tăng lương bình quân. Do đó chất lượng việc làm vẫn là vấn đề đáng quan tâm theo hướng khuyến khích LĐ học nghề, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật áp dụng công nghệ để nâng cao NSLĐ, thay đổi chính sách tiền lương, các chế độ phúc lợi đặc biệt là đối với các ngành nặng nhọc và công nhân có tay nghề cao.

Đồng thời nâng cao hiệu quả dự báo cung cầu lao động để khuyến khích lao động trẻ tham gia thị trường lao động và lựa chọn nghề đúng khả năng và trình độ. Ngoài ra, cần có chính sách đào tạo và nâng cao kỹ năng cho NLĐ đặc biệt là nhóm ngành đang ở mức thấp như khai thác mỏ, bưu điện, viễn thông và vận tải (logistics).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn