MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp ở TP.Đà Nẵng tuyển lao động không đạt chỉ tiêu dù tỉ lệ thất nghiệp cao. Ảnh: Tường Minh

Thị trường lao động miền Trung cuối năm: DN tuyển không ra lao động

Nhóm phóng viên LDO | 16/12/2020 08:13
Trong năm 2020, các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Thành phố Đà Nẵng, tỉ lệ lao động thất nghiệp cao chưa từng có do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhưng nghịch lý là các phiên giao dịch việc làm, các doanh nghiệp lại kiếm không ra người.

Cần 3.000 nhưng chỉ có 150 hồ sơ

Theo thống kê, chỉ riêng TP.Đà Nẵng đã có hơn 190.000 người lao động (NLĐ) chịu tác động bởi dịch COVID-19, trong đó, hơn 20.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ); 70.120 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương và 99.280 lao động làm việc không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm. Tuy vậy, thời điểm này, khi Trung tâm Dịch vụ Việc làm (TTDVVL) TP.Đà Nẵng đã “khởi động” lại phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tuần để kết nối giữa doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng và NLĐ thì các DN lại tìm không ra lao động.

Theo ông Nguyễn Thanh Diệp - Phó Giám đốc TTDVVL TP.Đà Nẵng, sau thời gian hết giãn cách xã hội, trung tâm đã tổ chức được 2 phiên giao dịch việc làm với 110 DN tham gia tuyển dụng gần 3.000 vị trí. Trong đó, ngành nghề được tuyển nhiều gồm: Bán hàng, tiếp thị 625 vị trí, may mặc 541 vị trí, lao động phổ thông 538 vị trí… Mặc dù mỗi phiên giao dịch việc làm có nhu cầu tuyển dụng đến 3.000 vị trí nhưng chỉ có khoảng 150 NLĐ đến tham gia tuyển dụng, tìm việc.

Nguyên nhân, ông Diệp cho rằng, sở dĩ việc nhiều nhưng người ít là do thời điểm này, số lao động ngoại tỉnh về quê tránh dịch chưa trở lại thành phố tìm việc. “NLĐ về quê có thể tìm được việc làm ổn định nên ở lại luôn mà chưa trở lại thành phố. Trong khi đó, tại Đà Nẵng, số lao động nhập cư chiếm 40-50%” - ông Diệp cho hay.

Nguyên nhân nữa, cũng theo ông Diệp, tâm lý chung của lao động trẻ hiện nay, đặc biệt là sau hai trận đại dịch là không muốn gò bó về thời gian, kỷ luật lao động trong công việc. “Nhiều người đòi hỏi cao trong khi năng lực hạn chế, vì vậy không chịu ứng tuyển làm việc lâu dài tại công ty mà chuyển qua bán hàng online, chạy xe ôm công nghệ, shipper... cho thoải mái hơn” - ông Diệp nói.

Tại Quảng Nam, ông Võ Văn Dũng - Giám đốc TTDVVL tỉnh này - cho hay, trong tháng 10 và 11.2020, TTDVVL tỉnh Quảng Nam đã tổ chức được 2 phiên giao dịch việc làm cho NLĐ. Trong 2 phiên giao dịch này, đã có 22 DN đăng ký tuyển dụng với hơn 8.560 chỗ làm trống. Tuy nhiên, các phiên giao dịch thu hút được hơn 200 lao động đến tìm hiểu thông tin và đăng ký tại sàn; có 92 lượt người được giới thiệu đến các DN phỏng vấn và 6 lượt người xuất khẩu lao động.

“Hiện nay có nhiều ngành nghề cụ thể cơ khí, dệt may... đang có số lượng tuyển rất đông và được nhiều người ứng tuyển. Riêng ngành may mặc từ tháng 9 đến nay được nhiều người đăng ký, do các công ty bắt đầu có đơn hàng sau dịch nên nhu cầu tuyển cao” - ông Dũng nói.

Lao động khu vực huyện thị dễ tìm việc hơn

Đang là quản lý nhà hàng do ảnh hưởng dịch COVID-19, anh Lê Văn Khánh (phường Vĩnh Hải, Nha Trang) phải nghỉ việc từ tháng 4 đến nay. Chật vật tìm việc nhưng không được vì đa số nhà hàng, khu du lịch trên địa bàn Nha Trang không có nhu cầu tuyển dụng, anh Khánh tìm đến TTDVVL tỉnh. Tại phiên giao dịch việc làm đầu tháng 12, anh nộp hồ sơ vào Công ty TNHH KN Cam Ranh và được nhận với mức lương khởi điểm 8 triệu đồng. “Tuy đi làm xa nhưng thời điểm này tôi cần việc làm, hợp với công việc trước đây của tôi nên thuận lợi hơn” - anh Khánh chia sẻ.

Nếu như trước đây Nha Trang là điểm hút lao động với hàng nghìn lượt tuyển dụng thì nay xu thế lao động các huyện thị như Cam Lâm, Cam Ranh, Ninh Hòa đang có sức hút hơn. Tại phiên giao dịch việc làm ngày 11.12 được tổ chức tại huyện Cam Lâm, có 5 DN tham gia tuyển dụng 265 lao động, trong đó có 205 vị trí làm việc tại địa phương này và đa số là lĩnh vực du lịch.

Ông Nguyễn Văn Khả - Giám đốc TTDVVL Khánh Hoà - cho biết, sau khi dịch COVID-19 được khống chế nhu cầu tuyển dụng lao động tăng lên. Xu hướng việc tìm người và người tìm việc ở các địa phương có sự thay đổi, trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động ở các huyện thị tăng hơn như thành phố Cam Ranh, huyện Cam Lâm, huyện Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh. Từ tháng 7 đến nay, trung tâm tổ chức trên 20 phiên giao dịch việc làm tại các địa phương, mỗi phiên có từ 5 đến 10 DN tham gia tuyển dụng từ 200 đến 400 NLĐ. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lần lượt là các ngành bảo hiểm, bất động sản, xây dựng, du lịch, dệt may…

Thông qua các phiên giao dịch việc làm, trung tâm đã kết nối cho gần 2.000 NLĐ có việc và giúp khoảng 200 lượt DN tuyển dụng được lao động. “Mặc dù thị trường lao động địa phương đã có dấu hiệu ấm lên trong 3 tháng gần đây tuy nhiên 2 lĩnh vực thu hút đông lao động là du lịch-dịch vụ và công nghiệp chế biến - dệt may - dày da - thủy sản vẫn chưa phục hồi, chưa có bước tăng trưởng đột phá. Sau khi dịch bùng phát ở TP.Hồ Chí Minh thì xu hướng tuyển dụng cũng chững lại. Mặt khác, tâm lý làm tạm thời chờ việc cũng đang khiến nhiều lao động bỏ qua cơ hội. Chúng tôi đang hy vọng những tháng cuối năm 2020 và đầu 2021 dịch được kiểm soát tốt, du lịch tăng sẽ là yếu tố để kéo thị trường lao động sôi động hơn ở các phân khúc dịch vụ, dệt may, chế biến thủy sản” - ông Khả nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn