MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Anh Thư.

Thị trường lao động phục hồi nhanh chóng

ANH THƯ LDO | 14/01/2023 15:13

Các giải pháp điều tiết thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã giúp thị trường lao động phục hồi nhanh chóng, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 tổ chức ngày 14.1, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, toàn ngành nỗ lực cao nhất để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị mồ côi do đại dịch COVID-19.

Bộ cũng đã tích cực tham mưu các chính sách hỗ trợ hơn 104 nghìn tỉ đồng cho 68,67 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động.

“Bên cạnh đó, người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời. Chúng ta đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025” - Bộ trưởng thông tin.

Đáng chú ý, các giải pháp điều tiết thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã giúp thị trường lao động phục hồi nhanh chóng, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.

Có gần 143 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 160% kế hoạch đề ra, gấp hơn 3 lần năm 2021. Bên cạnh đó, toàn Ngành đã hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng bày tỏ băn khoăn, vẫn còn nhiều thách thức về vấn đề xã hội phía trước đòi hỏi cần phải giải quyết trước mắt trong năm 2023 và thời gian tới.

Đó là các vấn đề về già hoá dân số; Sự thay đổi trên thế giới về vấn đề việc làm như di cư, di biến động, việc làm có chất lượng và tiền công thoả đáng; Biến đổi khí hậu đe doạ tới sinh kế của người dân, đặc biệt là khu vực dễ tổn thương như nông nghiệp, nông dân, dân tộc thiểu số,...;

Vấn đề việc làm phi chính thức, tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao, phần đông người lao động Việt Nam vẫn phải đang chấp nhận làm các công việc dễ tổn thương...;

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Anh Thư.

Cùng với những vấn đề trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu thêm: "Chúng ta cũng đã và đang phải đối mặt với thực trạng thế giới đã và đang thay đổi từng ngày, khi mà tương lai hầu như khó có thể dự đoán được, các lựa chọn tăng lên theo cấp số nhân, được thế giới hay dùng thuật ngữ VUCA với 4 hàm ý (biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ), đặt ra cho chúng ta phải ra quyết định nhanh hơn, xử lý lượng thông tin lớn hơn, buộc chúng ta phải thay đổi tư duy để phản ứng nhanh và chính xác để phù hợp với xu thế của thời đại".

Vì vậy, toàn ngành cũng cần phải chủ động đổi mới tư duy, đổi mới phương thức làm việc, chủ động trong công tác dự báo, linh hoạt ứng phó với những biến động có thể xảy ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn