MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Lao động tổ chức chiều 25.11. Ảnh chụp màn hình

Thị trường lao động phục hồi: Nhiều ngành nghề “hot” trỗi dậy

NHÓM PV LDO | 26/11/2021 07:00
Chiều 25.11, Báo Lao Động tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến “Ổn định thị trường lao động trong đại dịch: Cần nỗ lực từ nhiều phía”. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) quay trở lại sản xuất kinh doanh. Thị trường lao động “ấm” dần lên, nhiều ngành nghề đẩy mạnh tuyển dụng lao động phục vụ cho các đơn hàng dịp cuối năm.

COVID-19 “tấn công” vào doanh nghiệp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết quý  III/2021, cả nước có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm. Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỉ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý III/2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) - cho biết, có thể nói, dịch COVID-19 đã tác động đến thị trường lao động, việc làm của Việt Nam cũng như trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của từng NLĐ, từng DN. Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua hết sức nghiêm trọng. Lần đầu tiên dịch “tấn công” vào DN, khu công nghiệp, để lại hậu quả hết sức khó lường, cần nhiều thời gian, biện pháp để khôi phục.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ cũng như các cấp chính quyền đã rất quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời ban hành các chính sách, nghị quyết như vừa nêu để hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ, DN. Từ đó, góp phần hạn chế thấp nhất việc sa thải, giúp DN giữ NLĐ. “Về cá nhân, tôi đánh giá rất cao các chính sách được ban hành thời gian vừa qua, thiết thực, bổ ích, sát với người lao động. Các chính sách được ban hành trúng về đối tượng, mức chính sách phù hợp” - ông Trung nói.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện còn hạn chế về cơ sở dữ liệu quốc gia. Nếu như có cơ sở dữ liệu quốc gia tốt, thông tin thật tốt từ người lao động, kể cả lao động tự do thì chính sách hỗ trợ đến nhanh và kịp thời. Ông Trung cho rằng, chính quyền địa phương các cấp cũng có nhiều chính sách hỗ trợ thêm; các DN cũng có sự thích ứng để giữ chân NLĐ; đồng thời vẫn tổ chức sản xuất. Cùng với đó, tổ chức Công đoàn, các tổ chức xã hội đã có nhiều sáng kiến giữ chân NLĐ. Các trung tâm dịch vụ việc làm đã có nhiều giải pháp để cung ứng nguồn nhân lực đến các đơn vị; nhanh chóng cung cấp thông tin cho NLĐ; nhanh chóng giải quyết trợ cấp thất nghiệp nếu có yêu cầu.

Thích ứng của thị trường lao động

Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cho rằng, thị trường lao động đang có sự khởi sắc. Trong tương lai, sẽ có sự chuyển từ lao động thủ công đơn giản sang thâm dụng tri thức. Ở đây, các ngành nghề phát triển mạnh như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, kinh tế số, công nghiệp giải trí, dịch vụ, xây dựng… Còn trước mắt, nhóm ngành nghề phát triển tốt công nghệ thông tin, giày da, dịch vụ, … Trong ngắn hạn, các ngành khôi phục phục vụ các đơn hàng gia công giày da, cơ khí, thuỷ hải sản sẽ phát triển.

“Những năm vừa qua, chúng tôi thấy rõ có sự tiến bộ rõ rệt việc kết nối việc làm bằng nhiều hình thức online, gián tiếp. Những phiên giao dịch việc làm đã sôi động trở lại; các phiên online cũng thu hút đông đảo ứng viên tham gia. Đặc biệt, phiên cấp vùng, liên kết nhiều địa phương cũng vô cùng sôi động” - ông Trung nói.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội - cho hay, hoạt động tuyển dụng tại trung tâm và các tỉnh phía Bắc cũng như toàn quốc đang được tiến hành khá sôi nổi. Đơn vị phải ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động tư vấn. Có thể qua các trang mạng xã hội, qua Zalo, email, để làm sao người ứng tuyển tiếp cận nhanh nhất với các vị trí việc làm; doanh nghiệp cũng tìm được nhân sự cần tuyển dụng.

Tổ chức giao dịch việc làm trên phạm vi Hà Nội có trên 15 điểm, chúng tôi đã thường xuyên tổ chức, trao đổi chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hoá. “Trên địa bàn Hà Nội, nhóm lao động sản xuất, công nghệ thông tin truyền thông, tài chính ngân hàng, điện tử, tài chính quay trở lại tuyển dụng đông và dự báo sẽ “hot” trong thời gian tới” - ông Thành nói.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thông tin thêm, tháng 7 vừa rồi, thành phố Hà Nội đã ban hành đề án nâng cao hiệu quả của hệ thống sàn giao dục việc làm. Việc ban hành quyết định này là tiền đề để thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động. Giải pháp phát triển thị trường lao động trong đề án đó là nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống sàn giao dịch việc làm theo hướng hiện đại hoá - điều này rất phù hợp với bối cảnh COVID-19, công nghiệp 4.0 cũng như hội nhập quốc tế…


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn