MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thị trường lao động phục hồi nhưng cung - cầu lao động vẫn mất cân đối

LƯƠNG HẠNH LDO | 17/04/2023 06:24

Sau dịch COVID-19, thị trường lao động Việt Nam đã dần phục hồi. Tuy nhiên, người lao động đã không còn mặn mà với công việc ban đầu; cung - cầu lao động trở nên mất cân đối và bộc lộ những vấn đề bất cập. 

Không còn mặn mà làm công nhân

Chị Cao Thị Tuyết Nhung (39 tuổi, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đã làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) được 16 năm. 

Hôn nhân không được hạnh phúc, chị và chồng ly dị. Hai con nhỏ đang tuổi ăn, học, nữ công nhân này phải nuôi nấng, lo toan.

Để có thời gian đi làm, chị Nhung gửi con cho ông bà ngoại ở quê chăm nom. Hằng tháng, chị gửi về quê khoảng 4 triệu đồng từ số tiền lương ít ỏi được lĩnh để ông bà đóng học phí, lo ăn uống cho các con. 

 Sau dịch COVID-19, việc làm của chị Nhung đã khá hơn song chị không còn mặn mà với việc làm công nhân. Ảnh: Lương Hạnh

Dịch COVID-19 ập đến, công ty chị giảm đơn hàng, việc làm của chị ít đi rõ rệt. Lần đầu tiên trong nhiều năm làm công nhân, chị Nhung nếm mùi làm giờ hành chính, không được tăng ca, làm thêm.

Lo cho bố mẹ già và con nhỏ ở quê, chị nhờ một người bạn giới thiệu công việc bán hàng online. Căn phòng trọ nhỏ bày la liệt đồ đạc, những tấm ảnh 3 mẹ con treo ngay ngắn trong phòng giúp nữ công nhân có thêm động lực vượt qua được mọi khó khăn trong cuộc sống. 

Nói về dự định tương lai, chị Nhung bày tỏ sẽ làm công nhân một thời gian nữa rồi về quê gần để các con. "Vài năm nữa đến tuổi sức khỏe giảm sút, không đáp ứng được công việc yêu cầu đứng liên tục 8-10 tiếng mỗi ngày nên tôi sẽ xin nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội 1 lần về quê gần các con" - chị Nhung tâm sự. 

Theo nữ công nhân này, chị đã đến tuổi ngại thay đổi hoặc học nghề. Do đó, phương án tốt nhất với chị là tích lũy vốn, về quê kinh doanh buôn bán.

Chị Nhung là một trong hơn 30 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19.

Khi dịch COVID -19 xảy ra, thị trường lao động bị tác động nặng nề. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Mất cân đối cung - cầu lao động 

Tại hội nghị tập huấn công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm diễn ra ngày 14.4, bà Nguyễn Hải Yến - Trưởng phòng Thị trường lao động (Cục Việc làm) cho biết, khi dịch COVID -19 xảy ra, thị trường lao động bị tác động nặng nề.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, với các chính sách, giải pháp đồng bộ của nhà nước, thị trường lao động Việt Nam đã dần phục hồi.

Cụ thể, số lao động có việc làm tiếp tục tăng, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I/2023 là 51,1 triệu người (tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 670 nghìn người so với năm 2019).

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2023 là 7 triệu đồng (tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước). Số lượng và tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm.

Bà Nguyễn Hải Yến đánh giá, mặc dù thị trường lao động đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn bộc lộ những vấn đề bất cập, hạn chế. Chất lượng cung lao động chưa đáp ứng nhu cầu lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Điều này thể hiện ở con số có khoảng 38 triệu lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên, cả nước chỉ có 26,4% người lao động đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ.

Thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ "hiện đại", chưa có đủ việc làm bền vững. Hiện, cả nước có hơn 51 triệu lao động nhưng có hơn 13 triệu lao động làm ở khu vực nông - lâm  - ngư nghiệp và thủy sản (chiếm hơn 27%), gần 33 triệu lao động đang làm việc ở khối phi chính thức (chiếm hơn 64%).

Nhìn chung, thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế.

Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao (quý I/2023 là 7,61%), có hơn 1,5 triệu thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11,7% tổng số thanh niên).

Để khắc phục những hạn chế này, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Cục Việc làm đang thực hiện nghị quyết trên với các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn