MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thị trường lao động rộng mở, người lao động vẫn còn "e ngại"

BẠCH CÚC LDO | 26/11/2021 19:29
Cần Thơ - Ngày 26.11, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.Cần Thơ phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức "Phiên giao dịch việc làm trực tuyến - Khu vực ĐBSCL và các tỉnh lân cận - đợt 2" nhằm mở ra cơ hội cho người lao động quay trở lại thị trường lao động hoặc tìm kiếm công việc mới.

Thị trường lao động rộng mở cuối năm

Hoạt động giao dịch việc làm lần thứ 2 có sự tham gia của 13 địa phương khu vực ĐBSCL và các địa phương TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Phiên giao dịch việc làm lần này có 153 đơn vị tham gia tuyển dụng, với 46.433 vị trí việc làm cần tuyển.

Trong đó, TPHCM có 10 doanh nghiệp tham gia với gần 5.000 vị trí tuyển dụng; Bình Dương có 6 đơn vị tuyển dụng hơn 4.800 lao động; TP.Cần Thơ có 7 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng 1.200 lao động…

Với thành công của phiên giao dịch việc làm lần thứ nhất, đến lần thứ 2 tại Cần Thơ đã thu hút được nhiều doanh nghiệp và ứng viên tham gia, tăng hơn 10% so với đợt 1. Điều này cho thấy nhu cầu tuyển dụng vào cuối năm khá cao, mở ra cơ hội cho người lao động quay trở lại làm việc hoặc tìm kiếm cho mình một công việc mới.

Linh động, thích ứng trong kết nối cung - cầu

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như người lao động nắm bắt được cơ hội việc làm, TP.Cần Thơ cũng như các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và các tỉnh thành lân cận đã chủ động thích ứng với tình hình dịch bệnh, tổ chức theo hình thức trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn trong mùa dịch. 

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.Cần Thơ - cho biết: "Hình thức trực tuyến là giải pháp tối ưu trong giai đoạn này, nhưng lại gây khó khăn cho những lao động phổ thông xa trung tâm thành phố, không có điều kiện tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin. Đối với những lao động phổ thông đó, dự kiến trong năm 2022, trung tâm sẽ tổ chức những chuyến tư vấn về địa phương nhằm hỗ trợ người lao động nắm bắt cơ hội việc làm".

 Phỏng vấn bằng hình thức trực tuyến trong phiên giao dịch việc làm tại Cần Thơ. Ảnh: Bạch Cúc

Cũng theo bà Vân, đối với kế hoạch trong năm 2022, trung tâm dự kiến tổ chức 6 phiên giao dịch và kết nối các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong khu vực bằng cách chia theo từng cụm nhỏ để có thể dễ dàng kiểm soát và có sự chuẩn bị chu đáo hơn.

Ông Trịnh Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh, cũng đưa ra những giải pháp và việc làm cụ thể để nhằm kết nối, đáp ứng cung - cầu trong thị trường lao động. Theo ông Hùng, từ ngày 23 - 25.11 trung tâm đã tổ chức xe lưu động tuyên truyền trên địa bàn tỉnh đồng thời phối hợp với doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, từ đó người lao động dễ dàng nắm bắt được thông tin và đăng ký tham gia ứng tuyển.  

Người lao động vẫn còn "e ngại"

Theo một số trung tâm Dịch vụ việc làm trong khu vực ĐBSCL, phiên giao dịch việc làm lần 2 tuy có khởi sắc, nhưng việc tuyển dụng ở thời điểm này là rất khó khăn. "Trước hết, do tình hình hình dịch bệnh còn phức tạp nên người lao động không muốn thay đổi công việc và cũng chưa có ý định quay trở lại làm việc. Mặt khác, đang thời điểm cận Tết nên người lao động cũng ngại chuyển việc hoặc tìm kiếm cho mình một công việc mới. Đa phần họ muốn ở lại địa phương, tìm kiếm công việc tạm thời để ổn định đời sống", bà Nguyễn Thị Bích Vân chia sẻ.

Theo bà Vân, các phương án hỗ trợ người lao động trở lại, không chỉ kết nối cung - cầu lao động mà còn tạo nên các động lực về cơ hội việc làm. Suy cho cùng, thị trường lao động phải có sức thu hút, hấp dẫn người lao động quay trở lại làm việc hoặc tìm kiếm việc mới sau dịch. 

 Người lao động vẫn còn "e ngại" khi tìm kiếm cho mình công việc mới. Ảnh: Bạch Cúc

Bà Đặng Thanh Trâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bến Tre - chia sẻ: "Tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên tâm lý người lao động chưa muốn tìm việc làm ngay bây giờ, họ muốn tự làm công việc nhỏ lẻ tại địa phương, hoặc đợi sau Tết mới tìm kiếm công việc vì tình hình dịch bệnh cũng chưa thực sự ổn định. Thế nên, tâm lý người lao động hiện tại khá lo sợ và e dè. Tuy nhiên, cũng phải xem xét muốn thu hút lao động thì phải kể đến mức lương, chế độ phúc lợi...".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn