MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng người lao động. Ảnh: TT

Thị trường lao động trên đà phục hồi

ANH THƯ LDO | 18/10/2022 06:00
Thị trường lao động cả trong và ngoài nước đều có sự phục hồi nhanh và tương đối ổn định, dự báo nhiều ngành nghề sẽ tiếp tục tăng tốc tuyển dụng trong quý cuối cùng của năm 2022. Để đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, các chuyên gia cho rằng, các địa phương cần chủ động trong việc xây dựng, cung ứng lao động.

Thị trường lao động nhộn nhịp trở lại

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết, dịp cuối năm, nhu cầu việc làm bán thời gian và toàn thời gian của các đơn vị, doanh nghiệp tăng lên. Xu hướng tuyển dụng tập trung vào khu vực thương mại - dịch vụ với các vị trí nhân viên bán hàng trong trung tâm thương mại, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim... Nhu cầu tăng khoảng 20% so với giai đoạn trước.

Dự báo quý IV/2022, số lượng việc làm tại Hà Nội đáp ứng cho khoảng 4,1 triệu lao động. Tăng 2,5% so với cùng kỳ 2021 và giảm 3,39% so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch COVID-19). Nhu cầu tuyển dụng khoảng 100.000 - 120.000 lao động do nhu cầu doanh nghiệp tăng mạnh, sinh viên từ nhiều nơi về nhập học tại Hà Nội, nhiều lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp...

Ông Thành cũng cho biết, hiện, thu nhập bình quân của người lao động khoảng 9,1 triệu đồng/tháng, tăng cao so với giai đoạn trước và trong đại dịch (thu nhập bình quân lao động làm công ăn lương năm 2019 là 8,2 triệu đồng/tháng, năm 2021 là 8,0 triệu đồng/tháng). Sau đại dịch COVID-19, thu nhập tăng do doanh nghiệp ưu tiên tăng lương giữ chân người lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi... Vì thế nếu chế độ tiền lương không đảm bảo thì sẽ rất khó tuyển được lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, đến nay sau 9 tháng đầu năm 2022, nhiều nhiệm vụ về phát triển thị trường lao động đã hoành thành trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do chịu tác động rất lớn từ thế giới cũng như dịch bệnh COVID-19.

Tại phiên họp của Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cuối tháng 9 mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho rằng, năm 2021, bộ đã rất lo lắng thị trường lao động bị xáo trộn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến nay, thị trường lao động đã tương đối ổn định, không bị đứt gãy nguồn cung ứng lao động, lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp hiện có lượng lao động tương đối dồi dào, tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp là một nỗ lực rất lớn trong bối cảnh khó khăn, lạm phát đang diễn biến toàn cầu. Những vùng kinh tế trọng điểm như: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương vẫn thu hút FDI tốt, hiện tình trạng thiếu lao động cục bộ chỉ diễn ra ở một vài nơi.

Thu hút lao động tại chỗ 

Cũng trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, nhìn chung, thị trường lao động đang trên đà phục hồi tốt và dự báo sẽ khởi sắc trong thời gian tới đây. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm của người lao động nhiều hơn. Chúng ta có thể thấy các giải pháp hỗ trợ phục hồi thị trường lao động bắt đầu đi vào guồng, có hiệu quả.

Về định hướng phát triển thị trường lao động trong thời gian tới, bà Hương cho rằng cần chia ra các nhóm ngành nghề phục hồi, nhóm ngành nghề đầu tàu... để có những giải pháp, định hướng đẩy mạnh cung-cầu lao động.

“Trong thời gian qua, chúng ta thấy rõ một số nhóm ngành như du lịch, dịch vụ... chịu tổn thương rất lớn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Song đây cũng là nhóm ngành nghề có sự trỗi dậy mạnh mẽ sau dịch. Vì vậy, cần chú trọng đẩy mạnh phục hồi nhóm ngành nghề này. Hơn nữa, những ngành mũi nhọn, tốc độ tăng trưởng cao cần đầu tư, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào và chú trọng việc cung ứng nguồn lao động chất lượng cao theo yêu cầu của lĩnh vực” - bà Hương nói.

Như vậy, cần có những chiến lược phát triển, để nguồn lao động đáp ứng được nhu cầu của những ngành nghề trên. Từ đó, thị trường lao động kết nối cung-cầu hiệu quả, doanh nghiệp tìm được người lao động và ngược lại lao động được đảm bảo cuộc sống, an sinh.

Để làm được điều đó, bà Hương cho rằng, cần đẩy mạnh tăng cường kết kết, đổi mới công tác quản trị thị trường lao động. Việc dịch chuyển lao động vào khu công nghiệp đã hết thời, cần phân bổ doanh nghiệp đến chân người lao động tại các địa phương.

“Những giải pháp hỗ trợ thị trường lao động của Bộ LĐTBXH là những chính sách chung, mang tính định hướng. Ở đây, điều quan trọng mỗi địa phương cần xây dựng đề án, chú trọng vào việc đẩy mạnh, phát triển, cung ứng đủ lao động theo nhu cầu của thị trường, phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội ở địa phương đó” - bà Hương nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn