MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thị trường lao động Việt Nam tăng nhưng chưa bền vững

THÙY TRANG LDO | 14/04/2023 10:08

Mặc dù thị trường lao động Việt Nam sau dịch bệnh COVID-19 đã dần phục hồi, thậm chí tăng so với năm 2019 là thời điểm trước dịch bệnh nhưng lao động ở khu vực phi chính thức vẫn cao, chất lượng cung lao động còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng cho nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Thị trường lao động phục hồi, tăng so với trước dịch COVID-19

Sáng 14.4, Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị “Tập huấn công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm”. Tại đây, bà Nguyễn Hải Yến – Trưởng phòng Thị trường lao động, Cục Việc làm cho biết, từ đầu năm 2022 với các chính sách, giải pháp đồng bộ của nhà nước, thị trường lao động Việt Nam đã dần phục hồi.

Cụ thể, lực lượng lao động tăng nhanh khi lao động từ 15 tuổi trở lên quý I năm 2023 đạt 52,2 triệu người (tăng 88,7 triệu người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2023 là 68,9% (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước).

Người lao động tìm kiếm việc làm. Ảnh minh họa: Lương Hạnh.

Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động dần được cải thiện khi tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I năm 2023 là 26,4% (cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).

Số lao động có việc làm tiếp tục tăng, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I năm 2023 là 51,1 triệu người (tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước và tăng 677,9 nghìn người so với năm 2019). Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của người lao động quý I năm 2023 là 7 triệu đồng (tăng 640 nghìn so với cùng kỳ năm trước). Số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm.

Tăng nhưng chưa bền vững

Mặc dù thị trường lao động đang phục hồi và phát triển nhưng bà Yến đánh giá, thị trường lao động Việt nam vẫn bộc lộ những vấn đề bất cập, hạn chế và chưa bền vững. Điều này thể hiện ở con số có khoảng 38,1 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên; cả nước chỉ có 26,4% người lao động đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ.

 Bà Nguyễn Hải Yến – Trưởng phòng Thị trường lao động, Cục Việc làm thông tin tại hội nghị. Ảnh: Thùy Trang

Việc làm của nền kinh tế cũng chưa đủ "hiện đại", bền vững. Tổng số lao động đang làm việc hiện nay là 51,1 triệu người, trong đó 13,8 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 27,1%); gần 33 triệu lao động có việc làm phi chính thức (chiếm 64,6%).

Thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao (quý I năm 2023 là 7,61%); có hơn 1,5 triệu thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11,7% tổng số thanh niên).

Các giải pháp nâng cao chất lượng lao động cần được đẩy mạnh. Ảnh minh họa: Lương Hạnh. 

Xác định những điểm còn hạn chế của thị trường lao động hiện nay và những yếu tố cần ưu tiên thúc đẩy thị trường lao động trong thời gian tới, tháng 1.2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Nghị quyết thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu của Chính phủ trong việc phát triển thị trường lao động. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững, tạo việc làm có năng suất cao; thực hiện đột phá phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh mẽ vào vốn con người, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, nâng tầm kỹ năng lao động, phổ cập nghề cho lực lượng lao động, đặc biệt là lao động trong khu vực phi chính thức; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng và chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số.

Cục Việc làm đang thực hiện nghị quyết trên với các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động chính như: Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; Tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững; Đầu tư phát triển hệ thống kết nối cung – cầu lao động; Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn