MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản xuất sợi ở KCN Cái Lân. Đây là KCN lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, nhưng chưa có cửa hàng, siêu thị phục vụ hàng tiêu dùng Việt Nam cho công nhân. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Thị trường rộng lớn đang bỏ ngỏ

NGUYỄN HÙNG LDO | 31/08/2018 07:16
Nhu cầu mua hàng tiêu dùng của CNLĐ ngay tại các KCN-KCX là rất lớn, tuy nhiên đến nay rất ít nơi có cửa hàng, siêu thị phục vụ công nhân (CN) trong khi các nhà sản xuất loay hoay tìm đầu ra. 

Để giải “bài toán” trên, vừa qua tại Quảng Ninh, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng LĐLĐVN và CĐ Công thương VN tổ chức “Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu Việt Nam vào KCN-KCX và bàn về các giải pháp tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong nước”.

Mong có siêu thị bán hàng Việt Nam tại KCN

Chị Lê Thị Hiền - CN tại KCN Cái Lân, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - cho biết, sau mỗi ca, chị và các đồng nghiệp lại vội vàng ghé qua chợ cóc để mua rau, thực phẩm bởi siêu thị xa và giá cả lại đắt hơn. Tuy nhiên, chị không mấy yên tâm với chất lượng hàng tại chợ cóc, kể cả tại các chợ truyền thống.

“Ước gì tại KCN có cửa hàng, siêu thị bán hàng tiêu dùng Việt Nam với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo để CN không phải đi đâu xa và yên tâm với những mặt hàng mình mua” - chị Hiền chia sẻ.

Đây cũng là mong muốn của hàng vạn CN, không chỉ ở Quảng Ninh. Điều đó cũng cho thấy đây là một thị trường rất lớn cho hàng Việt. Ước tính, hiện trên cả nước có hơn 20 triệu CN, trong đó hơn 10 triệu là CĐ viên và có khoảng 4 triệu CN đang làm việc tại các KCN-KCX tại 50 tỉnh, thành phố.

Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - bằng nhiều cách thức, với sự tham gia của nhiều đơn vị, ngành nghề, hiện hàng tiêu dùng Việt Nam đã có mặt ở nhiều KCN-KCX và những nơi tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp trên cả nước. Các mô hình đang hoạt động hiệu quả gồm: “Siêu thị CĐ”, “Siêu thị mini giá rẻ”, “Siêu thị trong nhà máy”, “Gạo sạch cho CN”, hay mô hình giảm giá cho CN có thẻ đoàn viên. Tuy nhiên, theo ông Đông, những mô hình như trên còn rất ít, thậm chí có nơi chưa có, trong khi nhu cầu mua sắm của CNLĐ là tương đối lớn.

“Đưa hàng Việt vào các KCN-KCX không chỉ giúp NLĐ tiếp cận nhanh với hàng tiêu dùng chất lượng, giá rẻ, mà còn giúp các DN mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa bởi một lực lượng CNLĐ hùng hậu” - ông Đông chia sẻ.

Rẻ, nhưng không phải là hàng tồn kho

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật cho biết, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được các cấp CĐ lồng ghép vào các chương trình của mình, như: “Tết Sum vầy”, “Phiên chợ CN”, “Chợ lưu động”, “Siêu thị CĐ”. Đặc biệt, với chương trình “Phúc lợi đoàn viên CĐ” được triển khai sâu rộng trên toàn quốc, các cấp CĐ đã ký 337 thỏa thuận với các tập đoàn, Cty, các DN nhờ đó hơn 1,2 triệu đoàn viên được sử dụng dịch vụ, sản phẩm với giá ưu đãi, tiết kiệm tổng cộng gần 450 tỉ đồng.

Cũng theo Phó Chủ tịch Trần Văn Thuật, Tổng LĐLĐVN đã và chuẩn bị đồng loạt khởi công các thiết chế CĐ tại các KCN trong năm 2018 và phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 50 thiết chế CĐ, gồm nhà trẻ, nhà ở, siêu thị.

“Khi thiết chế Công đoàn phục vụ đoàn viên, CNLĐ đi vào hoạt động, đây là cơ hội cho tất cả các bên. Vì thế, DN bán lẻ và các nhà sản xuất cần tăng cường liên kết với nhau để tạo nguồn sản xuất trong nước phong phú, giá cả cạnh tranh, đảm bảo chất lượng để phục vụ CNLĐ” - ông Trần Văn Thuật cho biết.

Bà Lê Mai Linh - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách đối ngoại Tập đoàn Central Group (đơn vị sở hữu chuỗi Siêu thị Big C) - cho biết, các nhà bán lẻ, nhà sản xuất đều muốn mở điểm bán hàng tại các KCN-KCX thay vì những đợt bán hàng lưu động giảm giá như hiện nay: “Bán lưu động chi phí cao, mất thời gian, nên chúng tôi mong muốn có những khu bán cố định. Có như thế việc phục vụ CN mới liên tục, bền vững.

Ngoài ra, cũng phải có chính sách ưu đãi cho các nhà bán lẻ, nhà sản xuất để họ cung cấp các chương trình khuyến mại, ưu đãi, nhất là đối với CN”.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - đưa ý kiến: “Ban quản lý KCN-KCX cần tạo điều kiện cho DN có được mặt bằng cố định để bố trí bán hàng; đưa hàng Việt vào các bữa ăn của CNLĐ; đồng thời cần có cơ chế hỗ trợ về thuế, tiền thuê mặt bằng trong thời gian nhất định”.

Còn theo ông Đoàn Văn Chính - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Quảng Ninh, để hàng tiêu dùng vào các KCN-KCX còn rất nhiều việc phải làm, trong đó ngoài việc giá rẻ nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng hàng hóa.

“CN chưa thực sự yên tâm về chất lượng hàng hóa bởi nhiều người “dính” hàng giả, hàng nhái. Tâm lý của nhiều người là chỉ có hàng chất lượng kém mới đem vào các KCN” - ông Chính cho biết.

Theo các CN, nếu không cải thiện chế độ hậu mãi, dịch vụ bảo hành mà vẫn cứ theo kiểu “hàng hỏng vài tháng mà không thấy bảo hành đâu” thì rất khó khiến CN đến với hàng tiêu dùng Việt Nam, cho dù giá “mềm” hơn bên ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn