MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu tham gia đối thoại. Ảnh: NAM DƯƠNG

Thiệt hại kinh tế, uy tín cho doanh nghiệp

NAM DƯƠNG LDO | 24/08/2019 13:00

Thực tế trên thế giới cho thấy, hàng hóa được sản xuất với sự tham gia của lao động trẻ em khi được phát hiện ở bất cứ công đoạn nào sẽ gây thiệt hại cả về kinh tế và uy tín cho doanh nghiệp đó, thậm chí ngành hàng đó. Tuy nhiên, lao động trẻ em vẫn là vấn đề mang tính toàn cầu.

Mới đây, tại TPHCM, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Đối thoại chính sách “Các tiêu chuẩn lao động quốc tế về lao động trẻ em hướng tới minh bạch chuỗi cung ứng trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Buổi đối thoại có sự tham gia của hơn 100 đại biểu từ Đại sứ quán Mỹ, Anh, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EUROCham), nhiều bộ, ban, ngành, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phía Nam, doanh nghiệp trong nước…

Tác động tiêu cực đến tương lai trẻ em

Bà Cao Thanh Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTBXH - cho biết, kết quả điều tra quốc gia năm 2012, Việt Nam có 1,75 triệu lao động trẻ em. Trẻ em phải lao động sớm sẽ để lại nhiều hậu quả, gây ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý; đồng thời cản trở việc tiếp cận giáo dục, từ đó tác động tiêu cực tới tương lai của chính trẻ em cũng như việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em; tác động tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Thực tế trên thế giới cho thấy, hàng hóa được sản xuất với sự tham gia của lao động trẻ em khi được phát hiện ở bất cứ công đoạn nào sẽ gây thiệt hại cả về kinh tế và uy tín cho doanh nghiệp đó, thậm chí ngành hàng đó. Tuy nhiên, vẫn có thực tế là do lao động trẻ em có giá rẻ và nhiều trẻ em sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động nên người sử dụng lao động (NSDLĐ) tận dụng lợi thế này để tăng cường lao động trẻ em.

Theo các đại biểu đến từ Bộ LĐTBXH, Việt Nam đã tham gia một số Hiệp định Thương mại thế hệ mới, trong đó có quy định về việc loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, cũng như đã nội luật hóa các cam kết quốc tế thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật phù hợp với các Công ước 138, 182 của ILO.

Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTBXH - cho hay, tỉ lệ trẻ em tham gia hoạt động kinh tế, lao động trẻ em và lao động trẻ em làm các công việc có nguy cơ nặng nhọc, độc hại những năm gần đây có xu hướng giảm mạnh. Khu vực kinh tế trẻ em tham gia lao động có sự thay đổi lớn, giảm mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp và gia tăng trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại có xu hướng gia tăng ở nhóm những trẻ em không đi học, thôi học. Tỉ lệ trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại ở thành thị cao hơn ở nông thôn.

Tăng cường nhận thức về quyền lao động, quyền trẻ em

Bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH - cho rằng, lao động trẻ em vẫn là vấn đề mang tính toàn cầu và chủ yếu trong lĩnh vực phi chính thức. Thực tế hiện nay, việc kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan đến lao động trẻ em, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức còn nhiều bất cập. Trong đó, năng lực phát hiện và can thiệp của cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương và thanh tra lao động còn hạn chế.

Bên cạnh đó, nhận thức của gia đình và chính trẻ em, của NSDLĐ, người môi giới lao động còn hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật, chính sách liên quan đến lao động. “Việc thực hiện các mô hình về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em chưa được đầu tư. Đặc biệt là các mô hình hỗ trợ NSDLĐ tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức có trẻ em học nghề và tham gia lao động cải thiện làm việc phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, đặc điểm thể chất, tâm lý của trẻ và theo quy định của pháp luật”, bà Hoa nhấn mạnh.

Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, nhất là bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, các đại biểu cho rằng cần có sự tham gia bền vững, sự liên kết của tất cả đối tác trong xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng. “Cần tăng cường vai trò giám sát của chính quyền địa phương đối với tình hình lao động trẻ em, tăng cường nhận thức về quyền lao động, quyền trẻ em đối với người dân. Đặc biệt là vai trò của NSDLĐ, theo đó doanh nghiệp phải hiểu rõ rằng sử dụng lao động trẻ em là phi đạo đức và bất hợp pháp”, ông Vinh khuyến cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn