MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa và Tòa án nhân dân tỉnh ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2024 - 2028. Ảnh: Phương Linh

Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin giữa công đoàn và tòa án

Phương Linh LDO | 26/03/2024 15:45

Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa và Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh thống nhất ban hành chương trình phối hợp giai đoạn 2024 - 2028.

Sáng 26.3, tại TP. Nha Trang, LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa tổ chức ký kết chương trình phối hợp với TAND tỉnh giai đoạn 2024 - 2028.

Theo đó, 2 bên tăng cường phối hợp thực hiện 4 nội dung trong giai đoạn 2024-2028 gồm: Công tác xây dựng, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật; công tác trao đổi cung cấp thông tin.

LĐLĐ tỉnh và TAND tỉnh sẽ thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hiệu quả để thực hiện tốt nhiệm vụ áp dụng pháp luật về lao động, công đoàn.

Phối hợp hỗ trợ các cấp công đoàn về trình tự, thủ tục, hồ sơ tham gia tố tụng đối với các vụ án lao động, việc đại diện khởi kiện trong các vụ án lao động...

Đại diện LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa và Tòa án nhân dân tỉnh trao đổi về các nội dung phối hợp giữa 2 bên. Ảnh: Phương Linh

Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm cập nhật, phổ biến pháp luật về lao động, công đoàn để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên. Hàng năm phối hợp tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đoàn viên, người lao động.

Đặc biệt, thiết lập kênh trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình quan hệ lao động tại địa phương, tranh chấp lao động tập thể, đình công; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, công đoàn, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; kết quả xét xử, giải quyết các vụ án lao động tại tòa án...

Theo ông Bùi Hoài Nam - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, chương trình phối hợp là hành động cụ thể của tổ chức công đoàn nhằm kết nối, đề xuất, phổ biến hành lang pháp lý từ đơn vị chuyên môn để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên.

4 nội dung chính sẽ được hai bên triển khai nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho đoàn viên. Ảnh: Phương Linh

Việc phổ biến pháp luật đối với đoàn viên, người lao động nhất là CNLĐ khu công nghiệp hiện nay rất cấp thiết. Với những kênh phối hợp được thiết lập từ góc độ chuyên môn sẽ phát huy chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên.

Ông Nguyễn Anh - Chánh án TAND tỉnh Khánh Hoà - cho biết, mỗi năm toà án 2 cấp trong tỉnh xét xử các vụ án liên quan đến tranh chấp lao động không nhiều. Tuy nhiên, đối với các hội thẩm nhân dân, TAND tỉnh sẽ đề xuất bổ sung thêm đại diện của Công đoàn để trong quá trình xét xử liên quan đến chuyên môn sẽ có những ý kiến sát thực hơn. Và thông qua chương trình phối hợp sẽ góp phần đảm bảo đảm công tác thực thi pháp luật được tốt hơn.

LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa hiện có văn phòng tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Khánh Hoà và Chi hội Luật gia Công đoàn. Năm 2023, bình quân mỗi tháng, văn phòng tư vấn pháp luật tiếp nhận 10 đến 15 lượt lao động đến tư vấn trực tiếp và 7 đến 8 lượt lao động xin tư vấn qua điện thoại. Nội dung tư vấn chủ yếu liên quán đến chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản, chế độ nghỉ việc...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn