MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tham gia tuyển dụng trực tuyến tại tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Bảo Hân

Thiết lập hệ thống thông tin thị trường, giảm nguy cơ thiếu hụt lao động

ANH THƯ LDO | 16/09/2021 07:27
Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) dự kiến số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ khoảng 60-70%. Do đó, nguy cơ thiếu hụt lao động để phục hồi trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các thành phố nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Vì vậy, cần nhanh chóng thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin về lĩnh vực này đầy đủ, chính xác.

Nghịch lý cung - cầu lao động

Số người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… do ảnh hưởng dịch COVID-19 trong quý II/2021 đã lên đến 12,8 triệu người. Trong số đó, có đến 557.000 người bị mất việc và 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh… Đặc biệt, LĐ khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều hơn so với khu vực nông thôn.

Bộ LĐTBXH cho hay, tại miền Bắc, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Bắc Ninh, Bắc Giang vào tháng 5 buộc Bắc Giang phải tạm đóng cửa 4 KCN gồm 322 doanh nghiệp (DN) với tổng số gần 150.000 LĐ tạm ngừng việc (KCN Quang Châu là 47.091 LĐ, KCN Vân Trung là 67.305 LĐ…; Bắc Ninh có 42.000/320.000 LĐ phải ngừng việc.

Đến nay sau khi khống chế được dịch COVID-19, các DN tại Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh trong khu vực bắt đầu đi vào sản xuất kinh doanh theo kế hoạch. Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang tích cực phối hợp với các DN trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyển LĐ với nhiều hình thức đa dạng như: Tuyển dụng trực tuyến tại trung tâm, hỗ trợ thông tin tuyển dụng qua Zalo, Facebook… Tính đến ngày 12.7, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang đã tiếp nhận nhu cầu tuyển mới 43.100 LĐ của 14 DN trên địa bàn tỉnh, tập trung chủ yếu tại các công ty lớn như: Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam với 20.000 người, Công ty TNHH Newwing Interconnect Technology thuộc Tập đoàn Hồng Hải với 15.000 người, Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam là 2.000 người…

Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho hay, dịch COVID-19 đã tấn công vào các khu vực kinh tế trọng yếu, các DN với quy mô LĐ lớn tập trung ở khu chế xuất, khu công nghiệp, các điểm tập kết thu mua, tiêu thụ các sản phẩm… nên các ngành chế biến, chế tạo, sản xuất… sẽ bị ngưng trệ, các chuỗi cung ứng sản phẩm bị đứt gãy ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm của người lao động làm công ăn lương, các hộ gia đình, hợp tác xã.

Bên cạnh đó, do dịch bệnh kéo dài gần 2 năm mà chưa có có dấu hiệu chấm dứt, các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn nhiều dư địa tài chính để chống đỡ cũng như làm sức bật để phục hồi, người lao động mất việc kéo dài nên việc di chuyển “ồ ạt về quê” như thời gian qua sẽ tạo thêm những khó khăn cho thị trường lao động.

“Dự kiến số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70% nên nguy cơ thiếu hụt LĐ để phục hồi trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các thành phố nơi tập trung nhiều KCN, khu chế xuất nhưng sẽ dư thừa LĐ ở những nơi cung lao động lớn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sẽ tạo nên một nghịch lý lớn về cung - cầu lao động” - Cục Việc làm nhận định.

Hạn chế mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ

Trước thực trạng trên, Cục Việc làm có các chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và LĐ trẻ, đặc biệt là những người không có việc làm, không đang tham gia học tập đào tạo tích cực học tập nâng cao trình độ để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động với hành trang là các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, tổ chức nắm chắc nguồn LĐ để kịp thời có những chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ di chuyển, nhà ở… để đưa lao động tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất. Nhanh chóng thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác để kết nối cung - cầu lao động, hạn chế sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các giao dịch về lao động, việc làm trực tuyến không chỉ trong phạm vi tỉnh, thành phố mà có sự kết nối giữa các địa phương với nhau để điều tiết nguồn nhân lực lao động, đặc biệt là các địa phương có lao động quay trở về để tránh dịch, nay có nhu cầu tìm kiếm việc làm.

Đặc biệt, Cục Việc làm cho rằng cần nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động, tạo niềm tin cho người lao động về cơ hội có việc làm, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động, tăng tỉ lệ tham gia lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn