MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đam Rông mở lớp đào tạo nghề sửa chữa xe gắn máy được cho là rất phù hợp và thiết thực với người dân nơi đây. Ảnh: Bảo Lâm

Thiết thực từ lớp dạy nghề sửa chữa xe gắn máy ở Đam Rông

Bảo Lâm LDO | 13/12/2023 22:25

Lâm Đồng - Xe gắn máy là phương tiện người dân huyện Đam Rông thường xuyên sử dụng để đi lại. Tuy nhiên, ở đây dân cư sinh sống thưa thớt, các tiệm sửa xe vừa ít lại vừa xa. Thế nên, việc cơ quan chức năng mở lớp dạy nghề sửa chữa xe gắn máy đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người dân địa phương.

Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đam Rông, trong năm 2023, nắm bắt được mong muốn của người dân địa phương nên đơn vị đã triển khai mở lớp đào tạo nghề sửa chữa xe máy cho người dân học tập.

Khi người dân tự chủ động sửa chữa được xe gắn máy thì sẽ rất thuận lợi trong công việc sinh hoạt và sản xuất hàng ngày. Ảnh: Bảo Lâm

Sau khi học xong học viên sẽ được bổ trợ các kiến thức như chuyên môn như: Trình bày được cấu tạo, hệ thống cụ thể trên xe máy. Từ đó, người dân sẽ biết cách sử dụng thành thạo các dụng cụ, biết cách tháo, lắp các loại xe gắn máy để chẩn đoán các hư hỏng trên xe.

Về kỹ năng, sau khi học nghề xong người dân sẽ sử dụng thành thạo các dụng cụ sửa chữa xe gắn máy. Ngoài ra, người dân còn có thể sửa chữa được những hỏng hóc trong các hệ thống của xe gắn máy.

Xe gắn máy là phương tiện mà đa số người dân ở huyện Đam Rông thường hay sử dụng để đi lại hàng ngày. Ảnh: Bảo Lâm

Về thái độ, các học viên sau khi học nghề sẽ tạo lập được đức tính cẩn thận, chính xác, bảo đảm an toàn cho người và thiết bị.

Phấn khởi nhất phải kể đến cơ hội việc làm thì người dân có thể tự bảo dưỡng, sửa chữa được xe gắn máy của mình trong quá trình sử dụng; phát hiện hư hỏng để có thể tự sửa chữa, thay thế nhỏ trong điều kiện sinh sống, sản xuất ở khu vực nông thôn.

Đặc biệt, nhiều người dân sau khi học nghề có thể xin làm việc tại các cơ sở sửa chữa xe gắn máy hoặc mở tiệm để kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho bản thân.

Các học viên tham gia học nghề sửa chữa xe gắn máy. Ảnh: Bảo Lâm

Theo anh Rơ Nang Y Xuân, ở xã Đạ Sal, gia đình anh có 4 chiếc xe gắn máy thường xuyên sử dụng để đi lại hàng ngày. Trước đây, mỗi khi xe gắn máy bị hư hỏng anh phải dắt xe ra tiệm sửa chữa để nhờ thợ khắc phục những hỏng hóc gặp phải.

"Sau khi học nghề sửa xe gắn máy, bản thân có thể khắc phục được những hỏng hóc cơ bản trên các phương tiện mà gia đình đang sử dụng. Tôi rất vui vì việc này sẽ giúp bản thân có thể chủ động trong công việc và đặc biệt là mỗi lần lên nương rẫy không phải lo đẩy bộ xe về các tiệm sửa chữa như trước" - anh Rơ Nang Y Xuân phấn khởi cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn