MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch LĐLĐ An Giang Nguyễn Thiện Phú phát biểu tại hội nghị.

Thiết thực và không mơ hồ

LỤC TÙNG LDO | 09/10/2019 11:07

Không chỉ đưa ra những cơ sở thực tế để kiến nghị điều chỉnh theo hướng thiết thực, đoàn viên và cán bộ CĐ An Giang còn đề xuất điều chỉnh những câu chữ mơ hồ để nâng tính phổ quát của Bộ luật Lao động (BLLĐ) tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo BLLĐ sửa đổi.

Thiết thực và bình đẳng

“Không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu. Bởi điều này không có ý nghĩa thiết thực đối với lao động (LĐ) trực tiếp, nhất là LĐ nữ” - bằng câu chuyện có thật, bà Nguyễn Thị Kim Quyên - CĐCS Cty TNHH MTV Xây lắp An Giang cho biết thêm, hơn 20 năm qua tại đơn vị cho thấy hầu hết LĐ trực tiếp, nhất là nữ đều xin nghỉ hưu trước tuổi vì đau bệnh, hoặc không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc.

Vì vậy theo bà Quyên, nếu tăng tuổi hưu, chẳng những làm tăng khả năng mất quyền lợi về già của CNLĐ mà còn nhen nhóm nguy cơ bất an cho xã hội... Đồng tình với ý kiến này, với tư cách là người trực tiếp giảng dạy, bà Nguyễn Thị Nhung - CĐCS Trường PTTH Nguyễn Công Trứ (CĐ ngành Giáo dục An Giang) cho biết: “Mỗi ngày đứng dạy 4 - 5 tiết, đến năm 40 tuổi, nhiều giáo viên đã có bệnh về xương, khớp chân và đến 50 tuổi, thì gặp khó khăn trong việc đi lại...”.

Đó không phải là câu chuyện mang tính cá biệt. Phát biểu tại hội nghị, đại diện Trung tâm Giám định y khoa tỉnh An Giang xác nhận: Khi bước vào tuổi 50, đa số LĐ làm việc trực tiếp đều suy giảm về sức khỏe. Nhiều người nhìn bên ngoài khỏe mạnh, nhưng khi khám thì tiềm ẩn nhiều loại bệnh. “Vì thế, tôi kiến nghị: Không nên tăng tuổi nghỉ hưu” - vị này đề xuất.

Về thời gian làm việc trong tuần, đại biểu Nguyễn Minh Diễm Quỳnh (CĐCS Trường ĐH An Giang) đề xuất giảm giờ làm xuống còn 40 giờ/tuần thay vì 44 giờ như dự thảo. Theo bà Quỳnh, điều này vừa đảm bảo cho CNLĐ có thêm cơ hội tái tạo sức cho người LĐ mà nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng, vừa xóa được bất bình đẳng về thời gian làm việc trong tuần giữa LĐ là công chức viên chức với LĐ là CN.

Không được mơ hồ câu chữ

Không chỉ sôi nổi đóng góp nội dung, nhiều đại biểu còn mạnh dạn góp ý đến kỹ thuật xây dựng văn bản của dự thảo BLLĐ. “Lần này, dự thảo có đề cập đến trách nhiệm của người sử dụng LĐ bố trí phòng vắt, trữ sữa cho nữ LĐ đang nuôi con nhỏ, thể hiện tính nhân văn và tiến bộ về giới. Tuy nhiên, tôi đề nghị thay các cụm từ “điều kiện thực tế”, “nhu cầu LĐ nữ” hay “tạo điều kiện” - bà Quỳnh nhấn mạnh - “Bởi đây là những từ mang ý nghĩa rất mơ hồ, rất khó phân định. Trong khi đó quy phạm pháp luật thì yêu cầu phải chính xác, chặt chẽ, cụ thể”.

Còn ông Nguyễn Hồng Thắng, CĐCS cơ quan LĐLĐ An Giang đặc biệt chú ý đến vấn đề “chính danh” tên gọi của tổ chức đại diện người LĐ tại cơ sở. Hiện nay dự thảo chưa nói rõ tên tổ chức của người LĐ tại doanh nghiệp (DN) ngoài tổ chức CĐ là gì, trong khi pháp luật LĐ cần quy định rõ tên gọi cụ thể của tổ chức người LĐ tại DN. Tuy nhiên, điều khiến cho ông Thắng lấy làm lo lắng hơn là hệ thống tổ chức và tên gọi của tổ chức cấp trên của tổ chức người LĐ tại DN là gì và hoạt động như thế nào trong việc trợ giúp tổ chức bên dưới? Bởi theo quy định, khi cần thiết thì CĐCS được CĐ cấp trên cơ sở (gồm LĐLĐ cấp huyện, LĐLĐ cấp tỉnh hoặc Tổng LĐLĐ) hỗ trợ. Vậy khi phát sinh tranh chấp với người sử dụng LĐ tại DN, thì tổ chức này sẽ nhờ ai hỗ trợ? Rất cần được làm rõ để luật sớm đi vào cuộc sống.

Ngoài ra, ông Thắng cũng cho rằng cần bổ sung quy định cụ thể về nghĩa vụ “nâng cao kiến thức pháp luật” đối với người sử dụng LĐ, chứ không dừng lại ở chỗ xem đây là nghĩa vụ của riêng người LĐ như dự thảo. “Bởi nếu không, sẽ rất khó để cơ quan chức năng tổ chức nâng cao kiến thức pháp luật cho người LĐ trong quan hệ LĐ tại DN” - ông Thắng nhấn mạnh.

Những ý kiến phát biểu mang tính chuyên sâu, thực tiễn và những kiến nghị mang tính đề xuất của đoàn viên, đại diện tổ chức CĐ hôm nay sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng tham khảo. Tuy nhiên, cũng nên hiểu rằng, đất nước ta đang hội nhập sâu rộng và toàn diện, các mối quan hệ cũng ngày một đa phương, đa diện hơn... Vì vậy những đề xuất, kiến nghị sẽ được cơ quan chức năng xem xét, cân nhắc một cách thận trọng trên cơ sở vừa đảm bảo quyền và lợi ích chung của ngành nghề đặc thù, vừa hài hòa với của đa số người lao động, của đất nước... để xây dựng thành bộ luật mang tính bao quát và sâu sát.

( Nguyễn Thiện Phú - Chủ tịch LĐLĐ An Giang)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn