MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thiếu công nhân đầu năm, doanh nghiệp tìm cách giữ chân người lao động

Văn Sỹ LDO | 31/01/2023 09:00

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp ở một số tỉnh như Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ đều hoạt động trở lại. Tuy nhiên, số lượng lao động tại các doanh nghiệp đều sụt giảm vì một số người nghỉ việc để tìm việc khác sau Tết. Vì vậy, bài toán làm như thế nào để giữ chân người lao động tiếp tục được đặt ra. 

Nhiều chế độ giữ chân công nhân

Theo Sở LĐTBXH tỉnh Sóc Trăng, đầu năm 2023 này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng trên 4.000 lao động. Trong đó, có trên 10 công ty, doanh nghiệp tuyển bổ sung, do số lượng lao động nghỉ việc trước và sau Tết khá nhiều.

Đây cũng không phải lần đầu, mà gần như sau mỗi đợt Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp ở Sóc Trăng lại thiếu hụt lao động và nhu cầu tuyển dụng tăng lên. Trong khi đó, nguồn lao động hiện có tại các địa phương trong tỉnh khoảng 93.000 người và số người cần việc khoảng 20.000 người.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Broadpeak. Ảnh: Công ty cung cấp 

“Sở LĐTBXH tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp trong tỉnh, giúp giải quyết việc làm tại chỗ, thu nhập ổn định; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa nguồn lao động tại địa phương.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong tỉnh cần có những chính sách tốt hơn về phúc lợi, các khoản phụ cấp, xét tăng lương, thưởng… gắn với điều kiện về thâm niên làm việc để từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho người lao động, để họ có thể yên tâm đồng hành, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp” - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Sóc Trăng Võ Thanh Quang cho biết.

 Giờ tan ca trước cổng KCN An Nghiệp (Sóc Trăng). Ảnh: Văn Sỹ

Ông Dương Việt Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến thủy sản Tài Kim Anh (Sóc Trăng) chia sẻ, sau Tết Quý Mão này, công ty cơ bản đảm bảo số lượng lao động đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Rút kinh nghiệm của những năm trước, ngay trước Tết Nguyên đán, ban lãnh đạo công ty và Công đoàn đã triển khai nhiều mặt công tác chăm lo vật chất, tinh thần đến người lao động.

 Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần chế biến thủy sản Tài Kim Anh (Sóc Trăng). Ảnh: Công ty cung cấp

Cùng với đó, thông báo một số chế độ đãi ngộ khi anh chị em công nhân trở lại làm việc sau Tết như: Tiền thưởng đầu năm, tăng lương cho các bộ phận, sắp xếp, bố trí lại nhiều vị trí theo nguyện vọng và khả năng để người lao động phát huy công sức, năng lực và tăng thu nhập” - ông Dương Việt Trung chia sẻ thêm.

Người lao động yên tâm

Chị Lê Thị Tú My, công nhân Công ty cổ phần chế biến thủy sản Tài Kim Anh cho biết, chị đã gắn bó hơn 5 năm với công ty và có những lúc chán nản vì giảm đơn hàng, thu nhập có những tháng giảm thấp. Tuy nhiên, bù lại, nhiều chế độ đãi ngộ, cùng sự quan tâm đến đời sống, tình cảm của lãnh đạo công ty và Công đoàn nên chị tiếp tục gắn bó.

“Những anh chị em quen với mình cũng khuyên mình nên tìm những chỗ tốt hơn, nhất là đi Bình Dương, hay Đồng Nai. Nhưng mà, được làm tại tỉnh nhà, gần quê và tổng thu nhập cũng đảm bảo cuộc sống. Vậy nên tôi vẫn gắn bó với công ty. Sau Tết, vào làm ngày đầu năm tôi được thưởng 1 triệu đồng cũng thấy phấn khởi” - chị My bày tỏ.

 Hội nghị kết nối thông tin cung - cầu lao động tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Văn Sỹ

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng Mã Thị Thanh, dự báo tình hình kinh tế thế giới sẽ còn phức tạp, khó lường trong năm 2023. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, một số nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái… sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến doanh nghiệp và kéo theo sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống công nhân lao động.

 Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng Mã Thị Thanh chia sẻ kinh nghiệm giữ chân người lao động. Ảnh: Văn Sỹ

“Vì vậy, tôi nghĩ, doanh nghiệp bên cạnh tìm giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng cạnh tranh hơn; cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, chính quyền địa phương thì một vấn đề quan trọng hơn đó là phải có những chế độ, chính sách giữ chân người lao động để cùng vượt qua khó khăn, thách thức.

Những biện pháp giữ chân người lao động không chỉ có tăng thu nhập cho họ mà quan trọng hơn là cách đối đãi của đơn vị và người sử dụng lao động, tạo tình cảm, sự yên tâm để họ gắn bó. Cùng với đó, doanh nghiệp cần có kế hoạch tăng lương, tiền thưởng và thông báo, cam kết với người lao động. Công đoàn sẽ giám sát việc thực hiện. Có như vậy, người lao động sẽ gắn bó lâu dài và mới cống hiến hết sức mình”- bà Thanh chia sẻ thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn