MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công ty CP Dệt may và Đầu tư thương mại Thành Công không tuyển dụng thêm lao động bù cho số công nhân đã nghỉ việc từ đầu năm. Ảnh: Nam Dương

Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp vượt khó đảm bảo đời sống công nhân

Nam Dương  LDO | 01/05/2023 10:00

Tại TP Hồ Chí Minh, do khó khăn về đơn hàng, nhiều doanh nghiệp ngoài việc không tổ chức tăng ca còn phải cho người lao động nghỉ việc ngày thứ Bảy. Bên cạnh những doanh nghiệp thiếu đơn hàng, cũng có một số doanh nghiệp cho biết tình hình có dấu hiệu tích cực.

Doanh nghiệp dệt may rất khó khăn về đơn hàng

Một cán bộ CĐ ngành dệt may cho biết, tình hình đơn hàng giảm sút khá nhiều, hầu hết các doanh nghiệp ngành dệt may đều đang trong giai đoạn “cầm cự”, trong đó khó nhất là các doanh nghiệp ngành sợi.

Một số doanh nghiệp chỉ tổ chức làm việc 5 ngày/tuần mà không tăng ca, cho công nhân (CN) nghỉ ngày thứ Bảy. Đã gần hết tháng 4, nhưng đơn hàng của tháng 5 chưa biết thế nào? Dù khó khăn, nhưng đến nay, chưa có doanh nghiệp nào tính đến việc cắt giảm lao động.

Còn một thực tế nữa: Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may thật sự rất khó khăn về đơn hàng, nhưng không muốn nêu tên cụ thể. 

Lý do: Có nêu ra, cũng không giải quyết được gì... Ngược lại, nếu các doanh nghiệp thuê gia công biết là khó khăn lại tranh thủ ép giá, hạ giá gia công sản phẩm, ngân hàng cũng giảm tỉ lệ cho vay vì sợ dẫn đến nợ xấu.

Ngoài ra, nếu nêu rõ khó khăn, CN hoang mang, lo ngại ảnh hưởng việc làm lại tìm cách “nhảy việc”, trong khi bối cảnh chung là hầu hết các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ đều khó như nhau vì thiếu đơn hàng.

Ông Quách Mẫn Nghĩa - Chủ tịch CĐ Công ty Always Việt Nam - chuyên sản xuất các loại xe đạp, xe thể thao xuất khẩu - cho biết, sản phẩm của công ty xuất khẩu chính sang châu Âu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraina gây lạm phát và việc đình công ở nhiều nước châu Âu gần đây, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất của công ty. Số lượng đơn hàng giảm khoảng 30% - 40%, dẫn đến CN phải giảm giờ làm.

Nếu như trước đây, CN phải tăng ca để làm cho kịp đơn hàng, thì hiện nay CN không còn phải tăng ca nữa, thậm chí sắp tới đây, dự kiến từ tháng 5, công ty chỉ làm 5 ngày/tuần, CN sẽ phải nghỉ làm ngày thứ Bảy.

“Tiền lương từ tăng ca chiếm phần lớn trong thu nhập của CN, nếu giờ không tăng ca nghỉ làm thứ Bảy, thu nhập của CN sẽ giảm sâu, có thể giảm đến 50%” - ông Nghĩa lo lắng nói.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Giám đốc Nhân sự Công ty CP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công - cho biết, tình hình công ty cũng khó khăn chung như các đơn vị trong ngành dệt may. Mặc dù công ty vẫn bảo đảm việc làm cho NLĐ, nhưng cũng không tuyển dụng thêm lao động để bù cho số lượng CN đã nghỉ việc từ đầu năm cũng khoảng vài trăm người.

Theo ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐ Công ty PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), tình hình đơn hàng của công ty hiện vẫn như trước đây, chưa thấy gì sáng sủa hơn.

Còn ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân - cho hay, qua nắm tình hình từ các doanh nghiệp trên địa bàn quận cho thấy, có một số doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, trong đó có 11 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày.

Tổng số số lượng CN có thể bị ảnh hưởng do doanh nghiệp ít đơn hàng là khoảng 1.500 người. Trước tình hình này, LĐLĐ quận cũng có kiến nghị các cấp chính quyền cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp thông qua tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối vùng, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…

Hai điểm sáng hiếm hoi

Trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải cho CN giảm giờ làm, thì vẫn còn một vài điểm sáng từ khảo sát của chúng tôi với một số doanh nghiệp.

 Ông Trần Long Thuận - Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Hansae Việt Nam (Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, chuyên gia công các loại quần áo thể thao xuất khẩu) - cho biết, thời điểm cách đây mấy năm, công ty có khoảng 10.000 lao động. Sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraina, công ty cũng có những khó khăn về đơn hàng.

Mặc dù không chủ động cho CN nghỉ việc, nhưng công ty cũng có chính sách hỗ trợ cho NLĐ nếu tự nguyện xin nghỉ việc từ 1 đến 3 tháng lương, tùy thời gian làm việc cho công ty. Đến nay, số lượng CN chỉ còn 2.400 người. Tuy nhiên, hiện công ty lại đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 500 lao động, điều này chứng tỏ đơn hàng đã có tăng trở lại.

Tương tự, theo bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch CĐ Công ty Nissei Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung I, TP Hồ Chí Minh), tình hình đơn hàng vẫn duy trì được từ đầu năm đến nay.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn