MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều bạn trẻ ngại ứng tuyển vào ngành hàng không. Ảnh: Lan Phương.

Thiếu hàng chục nghìn nhân lực hàng không đến năm 2025, vì sao khó tuyển?

LƯƠNG HẠNH - LAN PHƯƠNG LDO | 16/10/2023 07:18

Nhu cầu nhân lực hàng không hiện rất lớn, dự báo sẽ cần hơn 58.000 người vào năm 2025. Song, nhiều bạn trẻ ngại tiếp cận, không dám ứng tuyển vào ngành vì gặp hạn chế về trình độ ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp, cho rằng đầu vào khó, xa vời.

Ngoại ngữ là rào cản lớn

This browser does not support the video element.

Chị Trần Mai Anh (20 tuổi, quê Hòa Bình) được gia đình động viên ứng tuyển vào làm tiếp viên hàng không do có lợi thế ngoại hình cao ráo, sáng sủa. Tuy nhiên, chị Mai Anh ngại nộp hồ vì trình độ tiếng Anh của bản thân còn nhiều hạn chế.

“Tôi thấy công việc tiếp viên hàng không đòi hỏi kỹ năng giao tiếp tiếng Anh thành thạo. Ngoài việc nói lưu loát, cần phải nghe hiểu được cách phát âm tiếng Anh khác nhau của nhiều vùng. Tỉ lệ chọi của ngành này khá cao, phải trải qua nhiều vòng xét tuyển với những tiêu chí khó. Tiếng Anh của tôi lại không tốt, mới chỉ ở mức cơ bản nên tôi không đủ tự tin để nộp hồ sơ” - chị Mai Anh chia sẻ.

Dự báo sẽ cần hơn 58.000 nhân lực hàng không vào năm 2025. Ảnh minh họa: Lan Phương.

Tương tự, anh Nguyễn Hữu Long (21 tuổi), hiện là sinh viên năm cuối tại Học viện Tài chính.

Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Long lựa chọn Học viện Tài chính vì số điểm vừa đủ học ngôi trường này. Song, khi đang trong quá trình học tập tại trường, anh Long phát hiện mình vẫn luôn có niềm yêu thích đặc biệt với nghề phi công.

Do đó, anh đã tập trung rèn luyện sức khỏe để đáp ứng các yêu cầu về thể lực của nghề. Với chiều cao 1m78 và sức khoẻ tốt, anh đã vượt qua vòng khám sức khỏe của Học viện Hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề ngoại ngữ vẫn là một rào cản lớn đối với anh.

Theo anh Long tìm hiểu, nghề phi công bắt buộc phải có trình độ tiếng Anh tốt để có thể giao tiếp và đọc hiểu các thông số, thông tin liên quan đến quy trình, hệ thống máy bay.

"Càng ngày, tôi càng không thể học ngôn ngữ theo cách "mưa dầm thấm lâu". Tôi đã dành 4 đến 5 tháng nỗ lực học để thi chứng chỉ, nhưng vẫn chưa đủ trình độ tối thiểu của phi công. Tôi rất tiếc khi phải bỏ lỡ cơ hội này, mặc dù rất đam mê” - anh Long bày tỏ.

Quan niệm là ngành học xa vời

Ông Trần Văn Điển, Phó Giám đốc phụ trách tuyển sinh và đào tạo của Công ty Cổ phần Học viện Nhân lực Sky Team, cho biết ngành hàng không cần nhân sự ở "độ tuổi vàng", từ 18 tuổi đến 28 tuổi. Điều này liên quan đến yêu cầu về sức khỏe, sự linh hoạt, và khả năng thích nghi trong môi trường làm việc đặc thù. Việc thu hút nguồn nhân lực trẻ cho ngành hàng không là rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn từ 2025 đến 2030.

Ông Trần Văn Điển (giữa), Phó Giám đốc phụ trách tuyển sinh và đào tạo của Công ty Cổ phần Học viện Nhân lực Sky Team. Ảnh: Lan Phương.

Qua quá trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, ông Điển nhận thấy nhiều bạn trẻ quan niệm rằng ngành hàng không có đầu vào khó, "xa vời”, nên họ thường không tìm hiểu và ngại tiếp cận lĩnh vực này.

Không chỉ vậy, nhiều sinh viên gặp hạn chế về trình độ ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp, gây rào cản trong việc đáp ứng yêu cầu chuyên môn của ngành.

Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực, các doanh nghiệp cần triển khai phương án tuyển dụng cụ thể để thu hút nguồn nhân lực tốt nhất, phù hợp nhất nhằm đảm bảo sự chủ động trong việc sản xuất kinh doanh.

"Đối với các ngôi trường lớn, uy tín, đã có kinh nghiệm, chỗ đứng trong lĩnh vực giảng dạy, cần đổi mới phương thức đào tạo chuyên môn ngành nghề để phù hợp hơn với tình hình của thị trường" - ông Độ đề nghị.

Tại chuỗi sự kiện hội thảo khoa học quốc tế, diễn đàn khoa học hàng không và triển lãm hàng không 2023, ông Trần Hoài An, Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam, cho biết nhu cầu nhân lực hàng không tại Việt Nam đang rất lớn nhưng nguy cơ thiếu hụt cũng lớn. Toàn ngành đang có khoảng 44.000 nhân lực, chia thành 3 lĩnh vực chính gồm: khai thác vận tải, khai thác cảng và đảm bảo hoạt động bay.

Dự báo con số này sẽ đạt hơn 58.000 người vào năm 2025, trong đó khối hành chính sự nghiệp tăng 2-3%/năm, khối các doanh nghiệp hàng không tăng 4-5%/năm, khối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không và phi hàng không khác tăng 4-5%/năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn