MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu cá nằm bờ vì chủ tàu không tìm được “bạn thuyền”. Ảnh: long tuấn

Thiếu hụt lao động, ngư dân phải bỏ tiền “mua” bạn thuyền

PHI LONG - ĐỨC TUẤN LDO | 05/11/2022 15:00
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và sự bất ổn của giá xăng, dầu khiến cho hàng loạt tàu cá phải nằm bờ. Công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh, nhiều ngư dân tại Quảng Bình quyết định từ giã vươn khơi bám biển sau nhiều năm gắn bó.

Ngư dân bỏ nghề

Ông Nguyễn Thanh Điệu - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cho biết, nghiệp đoàn hiện có 432 tàu thuyền, trong đó có 193 tàu đánh bắt xa bờ, nhưng đến nay số lượng tàu cá thường xuyên ra khơi rất ít, hơn nữa tàu cá khi ra khơi đánh bắt cũng thường xuyên ở trong tình trạng thiếu người, chỉ hoạt động cầm chừng và không thể sử dụng hết công suất.

Lý giải về vấn đề này, ông Điệu cho hay, trong thời gian nằm bờ dài vì dịch bệnh và sau đó là do giá xăng, dầu tăng cao, nhiều ngư dân đã quyết định bỏ nghề để đi xuất khẩu lao động hoặc tìm kiếm công việc khác.

“Từ những ngày bắt đầu bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến nay, đã có rất nhiều ngư dân bỏ nghề, họ chọn đi xuất khẩu lao động vì có thu nhập cao, hơn nữa nghề biển thời buổi này khá bấp bênh. Bấp bênh từ thu nhập cho đến chỗ công việc không ổn định bởi nhiều yếu tố khác nhau” - ông Điệu chia sẻ.

Để hoạt động trên các tàu đánh bắt xa bờ yêu cầu ngư dân phải có sức khỏe, kỹ thuật và kinh nghiệm lâu năm. Thanh niên ở các làng biển hiện nay đa phần đều đi học xa, theo các ngành nghề khác, chỉ một số ít người lựa chọn theo nghiệp biển của cha ông. Lực lượng lao động lành nghề hiện tại cũng không còn mặn mà với việc vươn khơi bám biển nên thiếu lao động là điều tất yếu.

Thiếu lao động vươn khơi bám biển

Đang vào mùa đánh bắt, tuy nhiên theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, hiện toàn tỉnh vẫn còn khoảng 20% tàu cá nằm bờ. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do không tìm được bạn thuyền.

Vừa trở về sau chuyến đánh bắt xa bờ, thuyền của anh Nguyễn Minh Tuấn (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) cho biết, thuyền của anh là một trong số ít thuyền đánh bắt xa bờ ở xã Cảnh Dương hiện nay vẫn có thể hoạt động như bình thường.

Theo anh Tuấn, thuyền của anh nhân sự là anh em, bạn bè chơi chung với nhau lâu năm nên vẫn gắn bó tới bây giờ, các thuyền khác muốn đi biển phải “mua” bạn thuyền, thậm chí muốn “mua” cũng không chắc đã có người.

“Bữa nay ngư dân họ bỏ nghề cả rồi, đa số đều đi xuất khẩu lao động. Những người không đi xuất khẩu lao động chỉ có thể là do đã quá tuổi, không đủ điều kiện hoặc là quá đam mê với nghề biển thôi” - anh Tuấn ngậm ngùi tâm sự.

Anh Tuấn cũng cho biết thêm, nhiều người đang muốn bán tàu để có vốn chuyển sang hướng mới, tuy nhiên để tìm được người mua cũng là điều rất khó. Ông Nguyễn Ngọc Tiếp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương - cho biết, hiện xã có 590 phương tiện đánh bắt trên biển, trong đó có 350 tàu cá công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Song, do thiếu lao động trầm trọng nên chỉ có khoảng 1/4 số tàu thuyền đang hoạt động, trong đó đa phần nằm bờ đều là tàu, thuyền công suất lớn, cần nhiều người mới có thể hoạt động.

Cũng như xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), các địa phương ven biển khác như Bảo Ninh (TP.Đồng Hới), Đức Trạch (huyện Bố Trạch)… cũng đang trong tình trạng tương tự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn