MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp phỏng vấn người lao động. Ảnh AT

Thiếu lao động, doanh nghiệp "tăng tốc" tuyển dụng

ANH THƯ LDO | 08/06/2022 15:08

Thị trường lao động phục hồi, doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng lao động phục vụ cho đơn hàng gia tăng trong thời gian tới.

Liên tục đăng tải thông tin tuyển dụng, chị Ngọc Huyền - Phòng Hành chính nhân sự của Công ty sản xuất nội thất tại Khu Công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) cho biết, đơn vị đang tuyển dụng thêm lao động phục vụ cho đơn hàng trong thời gian tới.

Ngoài tham gia tuyển dụng trực tiếp, gián tiếp tại trung tâm dịch vụ việc làm, chị Huyền còn thường xuyên đăng tải thông tin trên mạng xã hội Facebook. Theo chị này, kênh này có khả năng tương tác tốt và “hút” được nhiều ứng viên.

Đối với công nhân sản xuất, mức lương cơ bản là 6.050.000 đồng/tháng, chưa kể phụ cấp và tăng ca; người lao động được đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội.

Hiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động. Trong tháng 5, hơn 22.700 người lao động được kết nối việc làm.

Bên cạnh đó, Hà Nội giải quyết việc làm cho 1.646 người lao động thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm. Có 15.300 người lao động tự tìm được việc làm qua tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố.

Như vậy, 5 tháng đầu năm 2022, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 96.900 người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, đầu năm 2022, thị trường lao động đang phục hồi trở lại dù chưa thể như trước dịch, riêng quý I.2022 nguồn cung lao động là 51,2 triệu người, tăng 160.000 người so với cùng kỳ, chủ yếu ở khu vực phi chính thức.

Nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021, chủ yếu là lao động phổ thông, lao động không yêu cầu có bằng cấp chứng chỉ (chiếm 75%).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao. Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ.

Lao động thiếu hụt chủ yếu là lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo, trong năm 2022, đại dịch COVID-19 vẫn có những tác động tiêu cực đến thị trường lao động, sẽ còn tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ, thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong thời gian tới, cơ quan này đề xuất chính sách như hỗ trợ trực tiếp cho người lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động thu hút, tuyển dụng lao động; đào tạo nâng cao chất lượng cung lao động; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; tổ chức kết nối cung – cầu lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn