MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Bé Ba dự định sẽ gửi con về quê cho ông bà nội chăm sóc. Ảnh: Mỹ Ly

Thiếu nơi trông giữ trẻ, nhiều công nhân dự định gửi con về quê

MỸ LY LDO | 12/04/2024 09:24

Việc phải thường xuyên tăng ca, không có thời gian đưa, đón, chăm sóc con, thiếu cơ sở giữ trẻ ban đêm, cộng thêm nhà trọ không có không gian vui chơi an toàn... là những nguyên nhân, khiến công nhân lao động có ý định gửi con về quê cho ông bà chăm sóc.

Khó đón con khi tăng ca

Tăng ca với nhiều công nhân là niềm vui vì nhờ đó mà thu nhập tăng lên đáng kể. Nhưng với những gia đình công nhân có con nhỏ, tăng ca cũng là nỗi lo bởi ảnh hưởng đến việc đưa, đón và chăm sóc con cái.

Gửi con ở một trường mầm non công lập gần công ty, chị Trần Thị Bé Ba - công nhân Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) - cho biết, mỗi ngày, vợ chồng chị sẽ đưa con trai đến trường rồi mới đi làm. Đến chiều về, vợ chồng sẽ đón con và ghé chợ mua thực phẩm nấu ăn.

Tuy nhiên, đó là những ngày bình thường, còn vào thời điểm công ty có đơn hàng gấp, cần tăng ca, vợ chồng buộc lòng phải nhờ người đón giúp.

“Những hôm tăng ca đến tối, vợ chồng không ra kịp đều nhờ chủ nhà trọ đón về và cho cháu ăn giúp. Đến tối, khi vợ chồng về, chủ trọ mới trao lại chứ không để cháu ở phòng một mình. Nếu không có chủ trọ tôi cũng không biết làm sao vì hai vợ chồng từ dưới quê lên thành phố làm công nhân, cũng không quen biết ai nhiều” - chị Bé Ba cho hay.

Do có hai bé, một cháu học lớp 3 và một cháu vừa vào mẫu giáo nên vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hoài - công nhân Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) - phải chia nhau ra đưa con đến trường để không muộn giờ làm. Riêng những lúc công ty có đơn hàng nhiều, một trong hai phải chấp nhận không tăng ca để đi đón và lo ăn uống cho các con.

“Công nhân ai cũng mong được tăng ca để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhưng nếu vợ chồng cùng tăng ca đến 20h, 21h tối, trong khi 17h chiều là các cháu đã tan học thì việc đón, nấu ăn cho con cái ai sẽ làm. Vì vậy, những lúc công ty có đơn hàng nhiều, vợ chồng tôi chỉ 1 người tăng ca, còn người kia thì về đón con, nếu không lại phiền cô giáo” - nam công nhân nói.

Dự định gửi con về quê

Việc phải thường xuyên tăng ca, không có thời gian đưa, đón, chăm sóc con, khiến anh Thanh có ý nghĩ sẽ gửi hai bé về quê cho ông bà chăm sóc.

“Vật giá leo thang khiến chi phí ăn uống, sinh hoạt bị đội lên, nên vợ chồng phải cùng tăng ca thì mới đảm bảo cuộc sống. Nhưng như thế lại khó cho việc đưa đón, chăm sóc hai cháu. Các con cũng đều đang tuổi ăn tuổi lớn, cần không gian vui chơi, trong khi ở những khu trọ này lại thiếu điều đó. Vì vậy, tôi dự định sẽ chuyển các con về quê học cho ông bà chăm sóc” - anh Thanh tâm sự.

Nam công nhân nói thêm, vợ chồng anh từng có ý định tìm một cơ sở để gửi con ban đêm để an tâm tăng ca: “Là cha mẹ, ai cũng muốn ở gần con cái. Trước khi nghĩ đến việc gửi con về quê, chúng tôi cũng đã thử tìm những nơi nhận giữ ban đêm nhưng rất ít và hầu hết là tư nhân, nhỏ lẻ. Thấy không an tâm nên chúng tôi lại thôi”.

Dù được chủ trọ giúp đỡ việc đón con, nhưng với vợ chồng chị Bé Ba, đây không phải là cách lâu dài. Đắn đo suy nghĩ, vợ chồng nữ công nhân dự định sang năm sẽ đưa con về nhà ở cùng ông bà nội.

“Vợ chồng tôi không thể cứ nhờ chủ trọ đón con và lo ăn uống mãi thế được. Hơn thế, tăng ca nhiều, chúng tôi cũng không thể kèm con trai học hành nên dự định năm sau sẽ gửi cháu về quê. Ông bà còn khỏe thêm có mấy anh, chị họ kèm cháu học tôi cũng an tâm hơn. Dù không muốn xa con nhưng có lẽ đây là cách phù hợp nhất với vợ chồng tôi hiện tại” - nữ công nhân bộc bạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn