MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một nhà giữ trẻ gia đình không phép tại Khánh Hòa bị dừng hoạt động.

Thiếu thiết chế, con công nhân sống giữa ma trận nhà trẻ tự phát

Hữu Long - Nhiệt Băng LDO | 11/06/2018 10:35

Đa số nhà trẻ tư thục ở các KCN, cụm công nghiệp tại Khánh Hòa trong những căn phòng có diện tích chật hẹp, nóng bức và không có sân chơi… Câu chuyện tổ chức bán trú cho trẻ chưa đúng quy trình, không đảm bảo vệ sinh, không tính được định lượng khẩu phần ăn cho trẻ... ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy, chưa đảm bảo an toàn cho trẻ...

Mấy tháng nay, chị Lê Thị Thảo, công nhân Công ty TNHH Ganllant Ocean Việt Nam (KCN Suối Dầu) tìm nhiều nơi gửi con để đi làm trở lại sau thời gian nghỉ sinh nhưng không được. Chị Thảo liên hệ với một số trường mầm non, nhà trẻ công lập ở các xã xung quanh KCN nhưng họ không tiếp nhận với lý do chị Thảo không có hộ khẩu tại địa phương.

Nhiều công nhân tại Khánh Hòa vì hoàn cảnh buộc gửi con vào các điểm giữ trẻ tự phát.

“Xung quanh KCN chỉ có một vài nhà trẻ tư nhân. Đa số nhà trẻ này do hộ dân tự lập để trông trẻ là chính với giá 1,2 triệu đồng/tháng. Vì thấy không đảm bảo nên tôi cũng rất lo lắng. Vợ chồng tôi đang bàn tính gửi con về quê (tỉnh Phú Yên) để ông bà chăm sóc giúp”, chị Thảo chia sẻ.

Tương tự, chị Đỗ Thị Huyền - công nhân Công ty TNHH Việt Khánh Phú, phải gửi đứa con 3 tuổi ở nhóm giữ trẻ gia đình. Bởi vì, chỉ có nơi này chị mới có thể gửi sớm, đón muộn để tăng ca. Còn trường mầm non công lập, ngoài điều kiện và thủ tục nhập học khó thì chỉ giữ trẻ theo giờ hành chính.

Từ những bất cập trên, không ít công nhân đành gửi con về quê cho người nhà chăm sóc. Chị Nguyễn Thị Thủy - công nhân Công ty TNHH Phillips Seafood Việt Nam (KCN Suối Dầu) cho biết: “Do đặc thù công việc phải làm theo ca, trong khi KCN lại không có nhà trẻ nên hết thời gian nghỉ sinh, tôi phải gửi con ở quê để ông bà nuôi dưỡng. Thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ nên cháu phát triển chậm hơn các trẻ khác”.

Được biết, khảo sát nhu cầu gửi trẻ của hơn 1.000 lao động tại KCN Suối Dầu cho thấy, đã có hơn 200 công nhân cần có nhà trẻ trong KCN. Bà Huỳnh Thị Nam Khánh - Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN và Khu kinh tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc xây dựng nhà trẻ, trường mầm non ở các KCN, cụm công nghiệp hiện nay là cần thiết.

Trong phiên chất vấn Quốc hội vừa qua, trả lời ý kiến các đại biểu về thực trạng giáo dục mầm non, những khó khăn, thiếu thốn của công nhân có con nhỏ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết,  thời gian tới, Chính phủ sẽ điều chỉnh quy định về quy mô, tăng cường quản lý ở các nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục… Hoàn thiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non.

Một trong những thông tin đáng chú ý được Phó Thủ tướng thông tin là, Chính phủ sẽ sớm có chính sách phù hợp tuyển dụng, đãi ngộ giáo viên và phát triển cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ khuyết tật và tại các khu công nghiệp. Khắc phục ngay những vi phạm trong quản lý các cơ sở giáo dục mầm non và tình trạng bạo hành trẻ em; xử lý nghiêm khắc các vi phạm.

Tương tự, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về giải pháp đảm bảo nơi giữ trẻ an toàn, nhất là cho con em người lao động từ 6 tháng đến 5 tuổi (các cơ sở giáo dục mầm non công lập chỉ nhận trẻ 24 tháng tuổi trở lên), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định:  “Bộ sẽ tham mưu Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cho nhóm trẻ nhà trẻ tư thục, để làm sao thực hiện tốt công tác chăm sóc, đặc biệt đối với trẻ cho những đối tượng khó khăn, tránh những hiện tượng đáng tiếc”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn