MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công nhân về muộn phải nhờ hàng xóm, họ hàng hoặc đồng nghiệp đón con hộ. Ảnh: Quỳnh Trang

Thiếu trường mầm non tại khu công nghiệp, bài toán chưa có lời giải

Quỳnh Trang LDO | 12/11/2022 07:03

Nhu cầu gửi trẻ trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang ngày càng gia tăng, trong khi nhà trẻ công lập thì thiếu, nhà trẻ tư thục thì chi phí cao làm công nhân có con nhỏ thêm vất vả, khó khăn.

Chật vật nuôi con nhỏ

Đến giờ người lao động đi làm, tất cả khu trọ của công nhân gần các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều đóng cửa. Đối với những gia đình có con nhỏ, người lao động đành phải gửi con ở các nhóm giữ trẻ tư nhân gần khu công nghiệp. Vẫn biết là các cơ sở tư nhân giữ trẻ tự phát thì không đủ điều kiện trông giữ trẻ, nhưng người lao động không còn cách nào khác, vẫn phải gửi con ở đây để đi làm.

Có đủ trường mầm non để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ là mơ ước của nhiều công nhân lao động tại khu công nghiệp. Ảnh: Quỳnh Trang

Đã hơn 6 tối, anh Nguyễn Văn Khánh (36 tuổi) - công nhân thuê trọ ở xã Hưng Đông, TP Vinh - chuẩn bị dọn dẹp nốt đồ đạc để chuyển sang phòng khác cùng dãy trọ cho chủ nhà tu sửa. Vợ đi làm ở khu công nghiệp Bắc Vinh vẫn chưa về, con trai 24 tháng tuổi tự chơi. 

Căn phòng trọ thuê giá 800.000 đồng/tháng, vợ anh ở một mình thời con gái giờ trở thành nơi tá túc của gia đình ba người. Họ không thể gửi con về quê khi ông bà nội tuổi cao, hay đau ốm. Để có thời gian chăm con, anh Khánh làm ở một xưởng may thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, luôn làm trái ca với vợ.

Vợ chồng anh Khánh đặt tên con là Hải Đăng, với mong muốn cuộc đời cậu bé sẽ tươi sáng hơn bố mẹ. Làm công nhân hơn chục năm, họ chưa có dự định về quê hay rẽ hướng khác vì "còn sức khỏe thì cứ làm công nhân đi đã, mai sau có tuổi rồi tính".

Cùng dãy trọ với vợ chồng anh Khánh, bà Trần Thị Giang tự nhận mình là công nhân trông trẻ. Mười mấy năm nay, từ khi các con đi làm công nhân thì chỉ Tết bà mới về quê, còn quanh năm suốt tháng đi trông cháu cho 3 con ở 3 nơi khác nhau. Năm nay, hết Tết cũng là lúc bà Giang lên ở trọ cùng con trai cả.

Bà trông 3 cháu, lo ăn uống cả ngày vì bố mẹ chúng đi làm suốt. Bà bảo ở quê gửi chúng về cũng chả trông được cả ngày, lên đây, ít nhất chiều tối hết ca còn có bố mẹ quản lũ trẻ.

Bà Trần Thị Giang quanh năm suốt tháng đi trông cháu cho 3 con ở 3 nơi khác nhau. Ảnh: Quỳnh Trang 

Thực tế tìm hiểu tại các khu nhà trọ công nhân, nhiều gia đình chấp nhận 1 trong 2 người nghỉ việc hoặc chuyển làm ca tối để trông con bởi họ cũng không còn cách nào khác khi con chỉ học 1 buổi không bán trú, hoặc trường mầm non chưa mở cửa.

Cô Hoàng Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường mầm non Hưng Tây (xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên) - cho biết: “Hàng năm, trường mầm non xã chỉ có khoảng 7 - 10 cháu là con em công nhân lao động đăng ký học. Một phần vì chỉ tiêu để tuyển sinh của nhà trường chỉ đáp ứng được nhu cầu của con em trong xã, mặt khác người lao động cũng không muốn gửi con tại đây vì phải đón đúng giờ quy định”.

Không chỉ là nỗi lo tìm chỗ gửi con, gánh nặng của những công nhân có con nhỏ còn là các khoản chi phí để đảm bảo cuộc sống khi mức lương trung bình của họ hiện chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. 

Nhiều gia đình công nhân tại Nghệ An chấp nhận bỏ một khoản tiền từ 1,2- 1,5 triệu đồng để gửi con ở các cơ sở trông giữ trẻ. Thế nhưng, việc tìm được một cơ sở gần chỗ làm chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ngoài ra, do ông việc nên nhiều gia đình công nhân đón con muộn. Nhiều gia đình phải nhờ hàng xóm, họ hàng hoặc đồng nghiệp đón con hộ. 

Trường mầm non tư thục Minh Anh (xã Hưng Đông, TP Vinh) đóng trên địa bàn có khu công nghiệp Bắc Vinh, đã gần 6 giờ tối, bé Trần Minh Hà về muộn nhất. Mẹ bé làm ở công ty may Minh Trí (khu công nghiệp Bắc Vinh), gia đình 3 người thuê trọ ở xã Hưng Tây.

Đã hơn 6 giờ tối, các bé tại trường mầm non tư thục Minh Anh có bố mẹ là công nhân tăng ca vẫn chưa thể về. Ảnh: Quỳnh Trang

Nhắc đến con, anh Trần Huy Thông thở dài: “Vợ chồng tôi làm công nhân đã 5 năm, xa nhà chỉ mong thu nhập khá hơn để chăm lo cho gia đình, nhưng rồi chỉ nhận được những đồng lương ít ỏi. Vợ chồng tôi đã tìm hiểu nhiều nơi, nhưng để tìm được một trường học vừa phù hợp học phí, thời gian lẫn địa điểm rất khó. Sắp tới, vợ tôi sẽ xin nghỉ làm việc ở công ty may và tìm một công việc bán thời gian gần nhà để tiện chăm sóc con”.

Cần quy hoạch, xây dựng trường mầm non cho con em công nhân khu công nghiệp

Bộ Luật Lao động nêu rõ trách nhiệm của những người sử dụng lao động ở những nơi sử dụng nhiều lao động nữ có trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi gửi trẻ, mẫu giáo.

Hiện Nghệ An có 7 cụm, khu công nghiệp, tập trung chủ yếu ở Bắc Vinh, Nam Cấm, với khoảng 16.000 công nhân ở các khu công nghiệp lớn, trong đó có hàng nghìn trẻ trong độ tuổi gửi trẻ là con của công nhân.

Nhiều công nhân gặp khó khi muốn gửi con ở các trường mầm non công lập. Ảnh: Quỳnh Trang 

Trao đổi với Lao Động, ông Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An - cho biết: “Liên đoàn lao động tỉnh đang tham mưu và có đề xuất các chính sách hỗ trợ cho con em lao động. Tỉnh cũng đang triển khai dự án thiết chế khu công nghiệp tại khu công nghiệp, thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp, sẽ cố gắng đưa hạng mục nhà trẻ, mẫu giáo dành riêng cho con em lao động.

Chúng tôi đang tư vấn và vận động công đoàn ở các doanh nghiệp đề xuất chính sách để có thể làm nhà trẻ đối với từng doanh nghiệp”.

Dự báo, số lượng lao động nữ có xu hướng gia tăng hàng năm, đồng nghĩa với số công nhân có con nhỏ ngày càng tăng.

Doanh nghiệp thiếu các chính sách hỗ trợ sẽ gây ra những áp lực cho người lao động có con nhỏ. Bởi vậy, rất cần sự chia sẻ từ các doanh nghiệp để góp phần làm vơi bớt gánh nặng cho người lao động, tạo động lực giúp họ gắn bó lâu dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn