MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xóm trọ công nhân đìu hiu những ngày cuối năm. Ảnh: Anh Thư

Thiếu việc làm, công nhân xin làm thời vụ bên ngoài

ANH THƯ LDO | 09/12/2022 16:38
Doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, công nhân thiếu việc. Thu nhập bị giảm đi, nhiều công nhân, lao động tranh thủ làm thêm công việc thời vụ.

Những năm trước đây, thời điểm này chị N.T.L (quê ở Tiền Hải, Thái Bình) đi làm đều đặn, có thể tăng ca liên tục. Năm nay, không chỉ Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam - nơi chị đang làm việc ít việc hơn, mà nhiều doanh nghiệp khác trong Khu công nghiệp Thăng Long cũng rơi vào cảnh tương tự.

Chị L nhớ lại, tháng 9 phải nghỉ 15 ngày. Tháng 10 công ty báo cho công nhân nghỉ cả tháng. Mới đây mới bắt đầu đi làm trở lại, song công nhân, người lao động chỉ đi làm giờ hành chính, hiếm khi được tăng ca. Dù việc không đều, thu nhập bị giảm đi, chị L vẫn hài lòng vì còn được duy trì việc làm.

"Những tháng phải nghỉ làm, tôi vẫn được công ty hỗ trợ 70% lương cơ bản. Để có thêm thu nhập, tôi cùng nhiều công nhân khác xin đi làm thời vụ bên ngoài lúc công ty ít việc" - chị L nói.

Thu nhập giảm, chị L cân nhắc khi mua từng bó rau, lạng thịt. Ảnh: Anh Thư

Với số tiền hỗ trợ của công ty, cùng với thu nhập làm thời vụ bên ngoài giúp công nhân này có tiền trang trải cuộc sống ở thủ đô. Đây là cách họ duy trì, bám trụ lại để chờ công ty có việc trở lại.

Kể cả 2 năm dịch COVID-19, chị L cho rằng, đây là giai đoạn khó khăn với công nhân, lao động. "Cả năm nay thu nhập mới có 1 tháng đạt 10 triệu đồng, còn lại không tăng ca nên chỉ nhận lương cơ bản. Chồng tôi làm tự do bên ngoài, mọi năm việc cũng ổn nhưng đến năm nay thì khó khăn thật sự" - công nhân này tâm sự.

Chị L là một trong số 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đáng chú ý, trong tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm, có khoảng 31.000 lao động nữ trên 35 tuổi; 10.000 lao động nữ nuôi con nhỏ, đang mang thai.

Viện Công nhân và Công đoàn đã tiến hành khảo sát về đời sống, thu nhập của người lao động trong tháng 10 và tháng 11.2022 với hơn 6.200 công nhân. Kết quả được ông Tiến thông tin rằng trong trường hợp mất việc thì chỉ 11,7% người lao động có tích lũy cầm cự được dưới một tháng; 16,7% duy trì được từ 1 - 3 tháng và 12,7% cầm cự được trên 3 tháng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết: "Giải pháp quan trọng nhất là cần cân đối việc làm cho mọi người lao động. Doanh nghiệp không nên sa thải công nhân hoặc chấm dứt hợp đồng với người lao động khi khó khăn".

Hiện nay, các đơn vị phải tập trung hỗ trợ để giữ chân người lao động. Để khi có đơn hàng mới, doanh nghiệp sẽ có lao động để sử dụng phục vụ sản xuất.

Theo chuyên gia này, doanh nghiệp có thể tìm kiếm thêm việc làm mới, cơ cấu lại ngành nghề, mở rộng thêm ngành nghề cho công nhân, lao động. Bên cạnh đó, có thể dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, giữ chân người lao động.

"Đồng thời, doanh nghiệp có thể hỗ trợ thêm cho người lao động từ quỹ phúc lợi. Khi người lao động thiếu việc làm, thì họ sẽ được một khoản hỗ trợ, giúp vợt qua lúc khó khăn này" - ông Lợi nói.

Về phía cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, ông Lợi cho rằng cần có các giải pháp như hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền điện, nước; hỗ trợ cho vay không lãi để người lao động cải thiện, chăm lo đời sống công nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn