MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiên giao dịch việc làm kết nối giữa các địa phương. Ảnh: Quế Chi

Thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao

ANH THƯ LDO | 23/10/2021 11:15
Trước tình trạng lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao trong thời gian qua, cần có sự phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động.

Chuyển dịch lao động

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Tỉ lệ lao động thiếu việc, thất nghiệp làm tăng cao.

Cụ thể, tỉ lệ thiếu việc làm quý III/2021 là 4,46% (hơn 1,8  triệu người), tăng 1,86% so với quý trước, trong đó, ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 5,33% và 3,94%).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, điều này khác với xu hướng thường quan sát được ở thị trường lao động trong các quý trước với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị.

Bên cạnh đó, có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh. Theo thống kê, khoảng 1,3 triệu lao động dịch chuyển trong tháng 7-9.2021.

Lao động trở về các tỉnh với An Giang là 40 nghìn người, Sóc Trăng là 33 nghìn người, Kiên Giang là 32 nghìn người...

Tạo điều kiện cho lao động trở lại làm việc

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết, trong thời gian vừa qua có sự di chuyển lao động lớn trong thị trường lao động. Vì vậy, khi sản xuất phục hồi sẽ gây ra những khó khăn nhất định khi giảm đột ngột nguồn cung lao động, nên có khả năng không đáp ứng được cầu về lao động của doanh nghiệp.

Người lao động tham gia tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bắc Giang tổ chức. Ảnh: B.H

Để phục hồi thị trường lao động, bà Hương cho rằng, ngành lao động các địa phương cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin và kêu gọi người lao động thực hiện khai báo về tình trạng việc làm hiện tại.

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội chia sẻ, dựa trên khai báo về nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm lên kế hoạch kết nối thị trường lao động.

"Hiện nay, chúng ta đã làm tốt việc chi trả Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ lao động mất việc trong mùa dịch. Tuy nhiên, về lâu dài cần giúp người lao động có việc làm bền vững bằng cách đào tạo lại lao động, giúp họ tiếp cận được với những cơ hội việc làm tốt hơn" - bà Hương chia sẻ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu chủ động làm việc, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, qua đó có những giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp cho người dân.

Cụ thể, người lao động trên địa bàn, tổ chức nắm các thông tin cơ bản. Ưu tiên tổ chức nắm bắt thông tin của người lao động trở về địa phương từ tháng 6.2021 trở lại đây.

Đối với người sử dụng lao động, tổ chức nắm thông tin về tình hình tuyển dụng và nhu cầu sử dụng lao động, với các thông tin cơ bản về quy mô hoạt động và nhu cầu về lao động (số lượng, trình độ)... Tập trung tổ chức nắm thông tin của những doanh nghiệp có quy mô lao động lớn từ 300 lao động trở lên.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, tổ chức phối hợp, thông tin giữa các địa phương trong công tác hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc bằng phương tiện vận tải công cộng hoặc phương tiện cá nhân, ưu tiên tầm soát xét nghiệm miễn phí, tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn