MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ công đoàn cơ sở trong các KCN tỉnh Hưng Yên tập huấn kỹ năng thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Ảnh: CĐKCNHY

Thỏa ước lao động tập thể - dấu ấn đậm nét của tổ chức Công đoàn

Nhóm PV LDO | 22/11/2023 06:08

Xác định việc triển khai thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là giải pháp quan trọng để duy trì quan hệ lao động hài hoà, ổn định, thời gian qua, các cấp Công đoàn trong cả nước đã thương lượng, ký kết nhiều bản thỏa ước chất lượng, mang lại quyền lợi tốt hơn, phúc lợi cao hơn cho hàng triệu lao động.

Nỗ lực vì những bản thỏa ước chất lượng

Công ty TNHH Regina Miracle International (KCN VSIP) hiện là doanh nghiệp có đông lao động nhất TP Hải Phòng với hơn 30.000 lao động.

Để thu hút và giữ chân NLĐ, ngoài việc thực hiện tốt chính sách pháp luật lao động, công ty xây dựng, ký kết TƯLĐTT với 16 điều khoản có lợi cho NLĐ như: Trợ cấp nhà trọ 500.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ xăng xe 500.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ con nhỏ từ 6 tuổi trở xuống 50.000 đồng/cháu/tháng, quà học sinh giỏi từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng...

Công ty TNHH Wayne Việt Nam hoạt động (KCN Nhật Bản - Hải Phòng) có gần 230 lao động, tháng 1.2023, công ty và công đoàn ký kết thành công TƯLĐTT lần thứ 2 gồm 10 chương, 26 điều, trong đó có nhiều điều khoản có lợi hơn so với quy định của pháp luật và có lợi hơn so với bản thỏa ước lần đầu ký kết. Điển hình như nội dung lương tối thiểu cao hơn ít nhất 5% so với mức lương tối thiểu vùng, thưởng Tết ít nhất 1 tháng lương cơ bản, phụ cấp đi lại 25 lít xăng/người/tháng...

Đến nay, Hải Phòng có gần 1.400 bản thỏa ước được ký kết, trong đó có 807 bản đạt loại B trở lên (vượt 14% so với chỉ tiêu Đại hội). Hải Phòng còn là điểm sáng cả nước khi đã thương lượng, kí kết gần 40 bản thỏa ước nhiều doanh nghiệp với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp và hơn 20.000 NLĐ được thụ hưởng chính sách.

Tiêu biểu là bản TƯLĐTT nhiều doanh nghiệp với sự tham gia của 30 doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu công nghiệp Tràng Duệ với 24 điều khoản có lợi hơn so với luật và 9.374 NLĐ được thụ hưởng. Bình quân mỗi năm, các doanh nghiệp chi gần 600 tỉ đồng để thực hiện các nội dung thỏa ước này.

Thỏa ước lao động tập thể để khuyến khích phát huy dân chủ

Nhiều năm nay, công nhân lao động Công ty TNHH Sản xuất Sanwa Việt Nam (Khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được hưởng lợi từ bản TƯLĐTT.

Theo bản thỏa ước, người lao động được tăng bậc lương tối thiểu 1 lần/năm; bữa ăn ca 35.000 đồng/suất (trước đây là 25.000 đồng/suất); tùy tình hình sản xuất kinh doanh, công ty sẽ xem xét tặng quà cho người lao động vào các ngày lễ, Tết; lao động có thời gian làm việc liên tục 5 năm, 10 năm trở lên sẽ được thưởng thâm niên tại mốc 5 năm, 10 năm...

Anh Nguyễn Trọng Linh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty Sanwa Việt Nam - cho biết: “Nếu các quyền lợi của người lao động chưa được đáp ứng theo luật, công ty sẽ điều chỉnh ngay; đồng thời xem xét và đồng ý nhiều điều khoản mang lại lợi ích cho người lao động cao hơn so với luật”. Theo Công đoàn các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang, hiện nay, trong các Khu công nghiệp của tỉnh có 195 doanh nghiệp đã thành lập CĐCS với 177.786 đoàn viên trong tổng số 184.581 công nhân lao động. Trong đó, Công đoàn Các KCN tỉnh đang quản lý và chỉ đạo trực tiếp 190 CĐCS với 167.554 đoàn viên trong tổng số 174.394 công nhân lao động.

Ông Hà Minh Vĩ - Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bắc Giang - cho biết, đến nay, đã có 154/188 CĐCS doanh nghiệp ký kết được TƯLĐTT, trong đó có 28 bản ký mới năm 2023.

“Thời gian qua, thỏa ước lao động tập thể đã có tác dụng khuyến khích phát huy dân chủ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn các KCN tỉnh Bắc Giang” - ông Vĩ đánh giá.

Tuyên truyền để chủ doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu đủ về TƯLĐTT

Ông Luyện Phương Nam - Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Hưng Yên - cho biết, công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngày càng có nhiều quy định có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật; tập trung nhiều hơn đến các nội dung trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng, bữa ăn ca.

“Những năm qua, Công đoàn các KCN tỉnh luôn chú trọng tuyên truyền đến cả các đối tượng là cán bộ nhân sự và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp để giúp họ hiểu đúng, hiểu đầy đủ về TƯLĐTT, từ đó, làm thay đổi nhận thức, hành động của các bên để đạt mục đích cuối cùng là phải có được bản TƯLĐTT có nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật” - ông Luyện Phương Nam cho hay.

Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp Công đoàn ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp

Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Công đoàn Việt Nam đã tập trung nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ) đạt kết quả nổi bật, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Có 99,07% đơn vị tổ chức Hội nghị CBCC; 96,99% doanh nghiệp Nhà nước và 64,93% doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tổ chức hội nghị NLĐ và các hình thức dân chủ khác theo quy định của pháp luật; có 96,99% doanh nghiệp Nhà nước và 67,96% doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.

Trong nhiệm kỳ, đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt tỉ lệ 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở (tăng 6,47% so với đầu nhiệm kỳ) trong đó thỏa ước đạt loại B trở lên đạt tỉ lệ 48,2%, tăng 19,6% so với đầu nhiệm kỳ.

Hà Anh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn