MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không phải cứ đi khám bệnh tuyến tỉnh là được hưởng 100% BHYT. Ảnh: Huyền Trân

Thông tuyến tỉnh BHYT từ 1.1.2021: Cứ đi khám bệnh tuyến tỉnh thì được hưởng 100% BHYT là cách hiểu chưa đúng

Nam Dương - Thùy Trang LDO | 04/01/2021 09:00

Hiện có nhiều thông tin cho rằng từ 1.1.2021, người dân có thẻ BHYT sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh do Quỹ BHYT chi trả khi đi khám, chữa bệnh tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trong cả nước. Đây là cách hiểu chưa đúng theo quy định của pháp luật.

Quỹ BHYT sẽ chi trả 100% mức hưởng theo quy định

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết, khi người dân đi khám, chữa bệnh thường sẽ phát sinh hai trường hợp điều trị nội trú hoặc ngoại trú. Theo quy định của Luật BHYT hiện hành, Quỹ BHYT sẽ chi trả 100% mức hưởng theo quy định cho bệnh nhân đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện trong cả nước dù là điều trị nội trú hay ngoại trú.

Còn nếu bệnh nhân đi khám bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước, theo quy định tại tiết b, khoản 3 và khoản 6 Điều 22 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13, từ ngày 1.1.2021 Quỹ BHYT sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng. Còn nếu người bệnh đó chỉ cần điều trị ngoại trú thì thì người đó vẫn phải tự chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Còn nếu bệnh nhân có thẻ BHYT, nhưng nếu đi khám chữa bệnh trái tuyến ở các bệnh viện tuyến Trung ương, mà phải điều trị nội trú, thì bệnh nhân cũng chỉ được hưởng 40% mức hưởng theo quy định và sẽ phải trả chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh nếu chỉ cần điều trị ngoại trú.

Ví dụ, người dân ở thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, sẽ được hưởng 100% chi phí theo quy định nếu đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện trong cả nước kể cả điều trị nội trú hay ngoại trú. Nếu người dân đi khám bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh ở TPHCM (như Bệnh viện Đại học Y Dược hay Bệnh viện Nhân dân 115), sẽ được hưởng 100% mức hưởng theo quy định nếu phải điều trị nội trú, còn nếu chỉ điều trị ngoại trú thì vẫn phải trả 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Vẫn người dân đó, nếu đi khám trái tuyến ở bệnh viện tuyến Trung ương (ví dụ Bệnh viện Chợ Rẫy hay Bệnh viện 175 ở TPHCM), thì được hưởng 40% mức hưởng theo quy định nếu phải điều trị nội trú, còn nếu chỉ điều trị ngoại trú thì vẫn phải trả 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Như vậy, không phải tất cả mọi người có thẻ BHYT thì sẽ được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khi khám, chữa bệnh trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Do đó, bà Hằng cũng khuyến cáo người dân cần cân nhắc khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh hay Trung ương ở các thành phố lớn như TPHCM hay Hà Nội để tránh phải chi phí không cần thiết.

Cần thời gian để đánh giá việc quá tải hay không

Lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, để đánh giá được việc quá tải hay không sau khi thông tuyến tỉnh BHYT từ năm 2021 thì cần có thời gian theo dõi số lượng bệnh nhân đến thăm khám, điều trị. Trong khi đó, mặc dù là bệnh viện tuyến tỉnh nhưng những năm qua, Bệnh viện Đà Nẵng hoạt động chẳng khác nào bệnh viện vùng. Số lượt bệnh nhân ngoại tỉnh chiếm hơn 50% số ca bệnh điều trị tại bệnh viện.

“Thời gian qua, chúng tôi luôn tạo điều kiện cho người bệnh ở các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi nhập viện theo hướng cấp cứu và cả chuyển viện được điều trị nội trú, được hưởng BHYT tối đa. Bệnh viện cũng đã quen với áp lực và công suất hoạt động khi tiếp nhận nhiều ca bệnh từ ngoại tỉnh nên tôi cho rằng không có quá nhiều thay đổi sau khi BHYT tuyến tỉnh được thông tuyến. Tuy nhiên người dân cần chú ý để tránh sự nhầm lẫn, bởi thông tuyến trong điều trị nội trú chứ không phải ngoại trú, tức những người đi khám bệnh dịch vụ, tự nguyện vẫn phải trả phí như bình thường” - lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cho hay.

Được biết, những năm qua, để chuẩn bị cho việc thông tuyến này, các cơ sở y tế tuyến quận huyện tại Đà Nẵng đã chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Tại nhiều trung tâm y tế như Sơn Trà, Hải Châu đã thực hiện việc đặt lịch khám online để tiết kiệm thời gian cho người dân.

Đặc biệt, đơn vị chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hoà Vang được thành lập hơn 1 năm nay đã trở thành địa chỉ tin cậy của những người dân chạy thận sống trên và gần địa bàn huyện Hoà Vang. Thay vì phải xuống Bệnh viện Đà Nẵng, người bệnh có thể yên tâm điều trị tại đây, vừa tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở.

Người dân mong chờ

Chị Thanh Thảo, người dân quận Hải Châu Đà Nẵng cho biết: “Ba tôi vừa phát hiện có khối u ở ức. Thông tin này khiến gia đình rất lo lắng. Cơ sở BHYT nơi ba tôi đăng ký cho biết họ có thể can thiệp được, tuy nhiên vì ba tôi lớn tuổi, hơn nữa chúng tôi tin tưởng uy tín của Bệnh viện Đà Nẵng hơn nên ngay sau đợt nghỉ lễ Tết Dương lịch, gia đình sẽ đưa ông đi nhập viện để tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ. Việc thông tuyến đến kịp thời khi gia đình không phải xin bệnh viện chuyển viện. Bởi việc này đôi khi gây khó cho cả hai bên, bệnh viện nơi có BHYT không đồng ý chuyển viện vì nhiều lý do, trong khi mong muốn của gia đình lại khác” - chị Thảo chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Bình, người dân quận Sơn Trà nêu thực tế, một số trường hợp muốn chuyển viện ở bệnh viện quận huyện - nơi đăng ký BHYT khám chữa bệnh ban đầu gặp nhiều khó khăn.

“Họ lấy lý do có thể điều trị được, bệnh chưa nặng... Tuy nhiên người dân thì luôn mong nhận được sự chăm sóc tốt nhất. Bình thường chúng tôi phải đi trái tuyến và chấp nhận chịu chi phí nhưng nay nếu đã thông tuyến và bệnh của tôi phải điều trị nội trú thì nỗi lo viện phí cũng vơi đi ít nhiều” - ông Bình nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn