MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu tham gia Toạ đàm tại Hội thảo “Thu hẹp khoảng cách trong thúc đẩy quyền năng người lao động: quan điểm - thực hành và tiềm năng hợp tác giữa các chủ thể” . Ảnh: BTC

Thu hẹp khoảng cách trong thúc đẩy quyền năng người lao động

Kiều Vũ LDO | 30/09/2021 15:41

Trao đổi về chủ đề  “Thu hẹp khoảng cách trong thúc đẩy quyền năng người lao động: quan điểm - thực hành và tiềm năng hợp tác giữa các chủ thể”, bà Trần Thị Thanh Hà – Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng để nâng cao năng lực của người lao động luôn cần có sự đồng hành giữa người sử dụng lao động, nguồn lực nhà nước, các tổ chức…

Hội thảo “Thu hẹp khoảng cách trong thúc đẩy quyền năng người lao động: quan điểm - thực hành và tiềm năng hợp tác giữa các chủ thể” diễn ra ngày 30.9, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Samsung, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam và Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng ánh sáng (LIGHT) cùng phối hợp tổ chức. 

Công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội mới đồng thời cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia phát triển và các nước đang bước vào công nghiệp 4.0 như Việt Nam từ góc độ sẵn sàng, hội nhập và khả năng thich ứng bền bỉ của lực lượng lao động. Để hoàn thành tốt mục tiêu chiến lược quốc gia về nâng cao năng lực cho Công nghiệp 4.0, sáng kiến hợp tác đa phương giữa các chủ thể giúp người lao động nâng cao năng lực trong môi trường doanh nghiệp và ngoài cộng đồng xã hội có ý nghĩa quan trọng. 

Đại diện các đơn vị tham dự đã trao đổi kinh nghiệm về thu hẹp khoảng cách trong thúc đẩy quyền năng người lao động; tiềm năng hợp tác giữa các chủ thể; đặc biệt là đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của Công nghiệp 4.0.

Theo ông Park Sung Geun, Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam: "Chúng tôi mong muốn bằng những kinh nghiệm và thiện chí học hỏi, sẽ cùng các bên tìm kiếm và thúc đẩy các cơ hội hợp tác đóng góp cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng Công nghiệp 4.0 của nền kinh tế số Việt Nam, mà trung tâm chính là công tác Phát triển nhân tài cho Công nghiệp 4.0 gắn với liên tục đổi mới chính mình và học hỏi. Cùng với Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội sẽ là hai chủ thể đóng vai trò quan trọng trong công cuộc này, với các thế mạnh đặc thù và các tiềm năng hợp tác mà các bên đều đang cùng tìm hiểu và khám phá”.

Một trong những nội dung thu hút được sự chú ý, thảo luận tại Hội thảo là vai trò và sự hiện diện của các Tổ chức xã hội. Bác sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thu Giang - đồng Chủ tịch sáng lập/Phó Viện trưởng Viện LIGHT, Trưởng Ban Điều hành mạng lưới Mnet – phân tích: Trong mỗi quốc gia, cấu trúc xã hội bao gồm 3 thành phần chính là “Nhà nước – Doanh nghiệp – và Tổ chức xã hội”. Đó là một “tam giác phát triển” mà mỗi đỉnh của nó đều có vai trò và vị trí nhất định trong sự phát triển bền vững của một đất nước cũng như trên phạm vi toàn cầu. Vai trò và sự hiện diện của các Tổ chức xã hội trong quá trình phát triển là yếu tố không thể thiếu, góp phần đảm bảo tính dân chủ, sự phù hợp và hiệu quả, minh bạch của các chính sách và pháp luật, đồng thời đảm bảo sự công bằng – bình đẳng và đa dạng trong cách tiếp cận và quá trình thực thi chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ mới tại Việt Nam. Chính sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức dựa vào cộng đồng – là thể hiện vai trò và tiếng nói của người dân, của người lao động, đặc biệt với các nhóm lao động yếu thế.

Bà Trần Thị Thanh Hà khẳng định, trong Cuộc cách Mạng 4.0 người lao động có vai trò là hạt nhân quyết định “đoàn tàu” chạy nhanh hay chậm. Việc nắm bắt tâm tư của người lao động là mấu chốt của vận tốc đoàn tàu. Do đó vai trò đại diện người lao động rất lớn. Hiện các cấp Công đoàn đã thực hiện thu nhận ý kiến người lao động qua zalo, e-mail…; Công đoàn các khu công nghiệp cũng kết nối với các Công đoàn cơ sở bằng công nghệ. Công đoàn đang tiến hành số hoá khoảng 12 triệu đoàn viên Công đoàn, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên. Công đoàn luôn lắng nghe, đối thoại với người sử dụng lao động, tổ chức các phong trào thi đua nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người lao động nâng cao tay nghề, năng lực, đáp ứng được đòi hỏi của công nghệ mới. 

Diễn đàn đa phương năm 2021 diễn ra trong một bối cảnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Chủ đề “Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam” được lựa chọn cho chuỗi sự kiện Diễn đàn đa phương năm nay vừa tiếp nối mạch chủ đề của Diễn đàn đa phương 2020, vừa đáp ứng chiến lược lâu dài mà Việt Nam sẽ cần dốc sức thực hiện trong quá trình tái thiết sau COVID-19. Sự kiện chính – Diễn đàn “Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam” dự kiến diễn ra ngày 28.10.2021.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn