MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một khu nhà trọ công nhân tại xã Đồng Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Bảo Hân

Thu nhập công nhân giảm, chưa nên tăng giá điện

Bảo Hân LDO | 07/12/2022 08:31
Theo ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh: Trong tình hình việc làm, thu nhập của công nhân gặp nhiều khó khăn như hiện nay, không nên tăng giá điện cũng như các chi phí tiêu dùng khác...

Giá điện tăng, cuộc sống công nhân thêm khó khăn 

Qua khảo sát của phóng viên Báo Lao Động, nhiều công nhân tại các khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn chưa nắm được thông tin về đề xuất tăng giá bán lẻ điện bình quân hiện nay với mức tăng trên 5%. 

Chị Vũ Thị Toan (thuê trọ tại thôn Đa Cấu, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) chỉ biết thông tin này khi phóng viên trao đổi. Chị than thở: “Thu nhập của tôi đang giảm nhiều so với trước, nếu giá điện tăng thêm thì sẽ càng khó khăn hơn”. 

Vài tháng nay, công ty nơi chị Toan làm việc chỉ tổ chức làm giờ hành chính, không tăng ca. “17 giờ, công nhân đã về nhà. Dù có thêm thời gian nghỉ ngơi nhưng thu nhập giảm rất nhiều. Trước đây, thu nhập của tôi được 8 triệu đồng/tháng (khi có làm thêm), nay chỉ còn 5-6 triệu đồng/tháng” - nữ công nhân bày tỏ. 

Chồng con đều ở quê, chị Toan thuê trọ một mình. Căn phòng chỉ có quạt, đèn, nồi cơm điện. Ít sử dụng điện nên một tháng chị Toan chỉ phải trả khoảng 50.000-60.000 đồng tiền điện. Theo chị Toan, hiện nay, chủ nhà trọ vẫn áp giá 3.500 đồng/số điện - cao hơn so với giá điện theo quy định. Chị lo ngại nếu tăng giá điện thì chủ nhà trọ cũng sẽ điều chỉnh lên theo. Ngoài ra, điện là nguyên liệu đầu vào nên điện tăng giá sẽ kéo theo các loại mặt hàng khác tăng giá theo. 

Thuê trọ ở thôn Ô Cách, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, chị Nông Thị Thế cũng bị áp mức giá điện 3.000 đồng/số. Mỗi tháng, nữ công nhân này dùng hết khoảng 50-60 số điện, tương đương 150.000-160.000 đồng. “Tôi không nấu ăn, trong nhà không có tivi, không tủ lạnh nên tiêu dùng điện không nhiều. Tuy nhiên, đối với công nhân xa quê, thuê trọ, phải chi tiêu rất nhiều khoản khác nhau thì con số vài trăm nghìn cũng đã là số tiền lớn” - chị Thế cho hay. 

Khi nghe đến đề xuất tăng giá điện, chị Thế cho biết, hiện nay, công nhân như chị đang phải chịu cảnh giảm việc làm, giảm thu nhập, nên nếu phải tăng các chi phí sinh hoạt thì sẽ tạo thêm gánh nặng. “Hiện nay, 1 tuần tôi chỉ đi làm 2-3 buổi vì công ty không có việc. Thu nhập của tôi giảm xuống chỉ còn 6-7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, cuộc sống xa nhà rất nhiều khoản phải trang trải. Riêng tiền thuê nhà đã là 900.000 đồng/tháng rồi” - nữ công nhân cho hay và đề nghị cần có biện pháp để bình ổn giá, trong đó có giá điện để người lao động đỡ đi phần nào áp lực trong lúc gặp nhiều khó khăn về việc làm, thu nhập như hiện nay. 

Công nhân thuê trọ chịu áp lực

Ông Hồ Sĩ Lĩnh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Điện tử Foster (Bắc Ninh) cho rằng, trong tình hình công nhân gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm do công ty ít đơn hàng như hiện nay thì không nên tăng giá điện. Bởi tăng giá điện sinh hoạt sẽ thêm áp lực tới công nhân vốn đang gặp nhiều khó khăn. 

“Trước đây, công ty có tổ chức làm thêm, nhưng hiện nay đã cắt. Thu nhập trung bình của công nhân giảm 2 triệu đồng, từ 8 triệu đồng xuống còn 6 triệu đồng” - ông Lĩnh cho biết. Được biết, Công ty TNHH Điện tử Foster có 3.000 người lao động thì có 60% người đang thuê trọ gần khu công nghiệp. 

Theo ông Lĩnh, hiện nay, mức giá điện tuỳ từng nhà trọ, nhưng khoảng từ 2.000- 3.000 đồng/số, tuỳ vào quy mô từng nhà trọ và cách tính điện tăng tổn thất của từng chủ trọ. Theo ông Lĩnh, phải bán điện đến từng nhà trọ thì công nhân mới được hưởng giá điện sinh hoạt như những hộ gia đình khác; còn hiện nay, nhiều nơi vẫn phải trả giá điện do chủ nhà trọ áp xuống. 

Ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh - cho biết, trong tình hình việc làm, thu nhập của công nhân gặp nhiều khó khăn như hiện nay, không nên tăng giá điện cũng như các chi phí tiêu dùng khác. 

Theo ông Quyết, hiện nay, tại các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, hầu hết các doanh nghiệp đều không tổ chức làm thêm giờ, vì thế công nhân lao động không có thêm khoản tiền này. Ngoài ra, khi doanh nghiệp không có đơn hàng thì công nhân cũng không có các khoản thưởng. 

Hiện các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh có khoảng 300.000 công nhân lao động, trong đó có 70% công nhân lao động ngoại tỉnh. Trong số các công nhân lao động ngoại tỉnh thì có khoảng 60% ở trọ; còn lại là có nhà riêng hoặc đi về trong ngày bằng ôtô tuyến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn