MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công đoàn Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng trao quà Tết đến 788 lao động bị mất việc làm năm 2023. Ảnh: Tường Minh

Thu nhập giảm, công nhân làm thêm việc, lo tiền chi tiêu dịp Tết

NHÓM PV LDO | 21/11/2023 15:08

Càng về cuối năm, nỗi lo có một cái Tết đủ đầy càng khiến cho người lao động cố gắng làm thêm nhiều việc. Có người sáng làm công nhân, tối chạy xe ôm công nghệ; có người tranh thủ từng phút rảnh rỗi nhận thêm công việc thủ công tại nhà…

Làm thêm đủ việc

Nghỉ thai sản từ tháng 6.2023, nhiều tháng nay, sinh hoạt của gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Yến (Khu công nghiệp Phú Minh, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đều trông chờ vào đồng lương công nhân của chồng chị.

Để trang trải các chi phí tại Hà Nội và nuôi 3 con nhỏ, mỗi ngày, sau khi tan ca từ nhà máy trở về, chồng chị lại chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập. Chị Yến cho hay: “Trước đây, thu nhập cả 2 vợ chồng rơi khoảng 15 triệu đồng/tháng. Trừ đi các chi phí sinh hoạt, học hành, bỉm sữa cho các con, số tiền còn lại chẳng đáng là bao”.

Mọi năm, kinh tế gia đình khấm khá hơn, các dịp lễ, Tết được nghỉ, vợ chồng chị đều đưa các con về quê nghỉ ngơi, thăm ông bà. Trái lại, năm nay, thu nhập giảm còn một nửa, trong khi chi phí sinh hoạt hàng tháng tăng lên do chị vừa sinh thêm 1 em bé nên gia đình chi tiêu khá chật vật. “Năm nay chúng tôi chẳng dám mong thưởng Tết cao, chỉ hy vọng công ty cho tăng ca để cải thiện thu nhập, lo cho các con” - chị Yến tâm sự.

Với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng, ông Nguyễn Hoàng Lợi (KCN Phú Minh, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) lo lắng khi chưa đầy 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024. Hiện công ty khan hiếm đơn hàng nên ông cũng không được tăng ca. Hằng tháng, ông Lợi thường trích ra một khoản lương để về quê chi tiêu dịp Tết. Ngoài ra, ông cùng nhiều người trong xóm trọ tại khu công nghiệp này đều tranh thủ nhận làm vòng hoa giấy tại nhà.

“Mỗi bao tải vòng hoa được trả 20.000 đồng. Một ngày làm 3 bao tôi được 60.000 đồng, cũng được gần một nửa ngày lương công nhân” - ông Lợi tâm sự.

Định hướng đào tạo nghề cho NLĐ

Sở LĐTBXH Hà Nội đã thông tin về kết quả thực hiện công tác lao động tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2023. Số lao động được tạo việc làm các tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (bằng 98,3% so với năm 2022).

Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội - Nguyễn Tây Nam cho biết, tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo việc làm mới cho người lao động, trong tháng 10, Thành phố Hà Nội giải quyết việc làm cho 14.949 lao động.

Trong đó, giải quyết việc làm cho 608 lao động từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 31,7 tỉ đồng; lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội là 1.868 người; lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là 12.177 lao động.

Hai tháng cuối năm 2023, Sở LĐTBXH Hà Nội tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội. Đồng thời, Sở thực hiện Kế hoạch thu thập, lưu trữ tổng hợp thông tin thị trường lao động trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2023; định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, trong tháng 10.2023, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tiếp tục có sự biến động. Các doanh nghiệp cần khoảng 42.000 - 44.000 vị trí việc làm, tạo việc làm mới cho khoảng 6.000 - 7.000 lao động. Một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng như Công nghiệp chế biến, chế tạo; Xây dựng, Bán buôn bán lẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn