MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công ty không có việc làm ổn định, nhiều CNLĐ tại các khu, cụm công nghiệp ở Ninh Bình phải tìm đến những công việc thời vụ để có tiền lo Tết cho gia đình. Ảnh: Nguyễn Trường

Thu nhập giảm, người lao động tại Ninh Bình chi tiêu dè sẻn để lo Tết

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 17/01/2024 16:58

Ninh Bình - Năm 2023 được xem là năm nhiều khó khăn và thách thức không chỉ với các doanh nghiệp mà cả đối với công nhân lao động (CNLĐ). Đơn hàng bị cắt giảm, thu nhập bấp bênh, nhiều CNLĐ bị cắt giảm giờ làm, thậm chí là mất việc. Chính vì vậy mà nhiều CNLĐ phải thắt lưng, buộc bụng để lo Tết.

Là một trong số gần 500 CNLĐ tham dự Chương trình "Tết sum vầy - Xuân chia sẻ" năm 2024 do LĐLĐ huyện Hoa Lư (Ninh Bình) tổ chức chiều 16.1, chị Hoàng Thị Liên (công nhân tại Công ty TNHH May Đông Thịnh Hưng) chia sẻ: Năm 2023, tình hình sản xuất của Công ty gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng thì không có, hàng sản xuất ra bị tồn kho nhiều.

LĐLĐ huyện Hoa Lư (Ninh Bình) tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” năm 2024 và tặng quà Tết cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Nguyễn Trường

"Có thời điểm Công ty phải cắt giảm tới 70% CNLĐ, những người như chúng tôi còn trụ lại được thì thu nhập cũng chỉ bằng mức lương tối thiểu vùng. Cả năm hầu như không có tăng ca, các chế độ phụ cấp cũng bị cắt giảm. Thu nhập giảm nên mọi chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày đều phải cắt giảm" - chị Liên chia sẻ.

Không riêng gì chị Liên, chị Lê Thị Ngát - công nhân tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại Lam Giang cũng gần 2 tháng nay phải nghỉ để chờ việc.

"Trong lúc chờ Công ty gọi đi làm lại, tạm thời tôi xin đi theo một số người cùng làng lên thành phố để dọn vệ sinh cho các gia đình có nhu cầu. Vì là dịp cận Tết Nguyên đán nên nhu cầu dọn nhà của các gia đình tăng cao, công việc đều. Mỗi ngày tôi được trả công 250 nghìn đồng và bao cơm trưa. Với mức thù lao này, nếu chi tiêu tiết kiệm thì cũng đủ lo cho gia đình 2 mẹ con" - chị Ngát cho hay.

Còn đối với anh Hoàng Sĩ Thuận (quê Nghệ An), làm công nhân tại Công ty TNHH MCNEX ViNa (Khu công nghiệp Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình) cho biết, với thu nhập gần 6 triệu đồng/tháng như hiện nay nếu chi tiêu dè dặt lắm, trừ cả tiền thuê phòng trọ đi thì một tháng cũng chỉ đủ gửi về quê 2 triệu đồng để ông bà lo cho con cái học hành.

Những gian hàng 0 đồng được công đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tổ chức để hỗ trợ CNLĐ. Ảnh: Nguyễn Trường

"Hơn 1 năm nay Công ty không có tăng ca, thu nhập của công nhân sụt giảm. Mọi năm, vào dịp Tết Nguyên đán Công ty còn thưởng tháng lương thứ 13, năm nay chưa biết thế nào. Để lo cho con cái bộ quần áo mới hay sắm Tết cho gia đình là cả một vấn đề. Chưa biết sang năm mới tình hình sản xuất của Công ty có khả quan hơn không nên giờ có đồng nào cũng phải chi tiêu dè dặt, để dành lo cho con cái ăn học" - anh Thuận chia sẻ.

Ông Trần Kim Long - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Bình cho biết, để chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang khẩn trương triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động. Trong đó, trọng tâm là hướng đến đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn mọi người, mọi nhà đều có Tết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn