MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Giàng Thị Ca trong căn phòng trọ chật chội, ẩm thấp. Ảnh: Phương Hân

Thu nhập ít, công nhân phải thuê phòng trọ “siêu rẻ”

Minh Phương - Bảo Hân LDO | 26/07/2022 07:12
Đa số công nhân khi tiếp xúc với chúng tôi đều chia sẻ có nhu cầu thuê nhà rộng hơn, song thu nhập eo hẹp nên phải chấp nhận cảnh sống chật chội trong những phòng trọ không khác gì “hộp diêm”.

Phòng trọ “siêu rẻ” 

Những căn phòng trọ chật hẹp, diện tích dưới 10m2 không phải là hiếm tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội - nơi tập trung rất đông công nhân đang làm việc trong KCN Thăng Long.  

Gần 10 giờ, chị Giàng Thị Ca (sinh năm 1999) mới tỉnh dậy sau giấc ngủ mê mệt. Tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, chỉ vài lần đưa chổi, chị đã quét xong nơi ở của mình bởi căn phòng rất bé, chỉ riêng chiếc giường đã chiếm 1 nửa diện tích. Ngoài chiếc giường, nơi chị Ca tá túc chỉ có thêm chiếc bàn nhỏ để nấu ăn; nồi cơm điện; chiếc quạt điện. 

Phòng chị Ca thuê có mức giá rẻ so với mặt bằng, chỉ 500.000 đồng/tháng; thêm tiền điện nước 100.000 đồng/tháng. Với chị, đây là mức giá chấp nhận được.

“Nắng thì không sao, chịu khó nóng một chút vẫn ngủ được; nhưng nếu mưa, phòng bị dột đúng vào vị trí của giường, tôi phải lấy chậu hứng nước” - chị Ca kể.  

Khi được hỏi tại sao không thuê phòng trọ diện tích rộng hơn, chị Ca nêu ra 2 lý do chính: Đó là lương thấp và sống một mình. 

“Tôi mới xuống làm công nhân 4 tháng nay. Dạo này, công ty ít việc, ít được làm thêm nên tổng thu nhập chỉ được 6 triệu đồng/tháng. Khoản tiền này tôi phải trang trải rất nhiều khoản, trong đó, chủ yếu là gửi về quê cho chồng con (khoảng 2 triệu đồng/tháng) nên phải sống hết sức tằn tiện. Tôi sống khổ quen rồi, chỉ cần có chỗ che nắng, che mưa, nghỉ ngơi” - chị Ca chia sẻ. 

Thời gian trong ngày, nữ công nhân chủ yếu ở trong nhà máy; ăn cơm bình dân và nhà trọ chỉ là nơi về ngủ. Hơn nữa, chị Ca dự định chỉ làm công nhân một thời gian rồi sẽ về quê, không có ý định gắn bó lâu dài tại nơi đất khách quê người này.  

Thuê nhà rộng thì không còn tiền tiết kiệm  

Cách nơi trọ của chị Ca không xa là phòng trọ của chị Nguyễn Diệu Linh (24 tuổi, quê ở Tuyên Quang) - cũng có diện tích nhỏ hẹp, chỉ khoảng 7-8m2. 

Xuống Hà Nội làm công nhân mới được 4 tháng nay, thuê trọ gần nơi làm việc, mỗi tháng, nữ công nhân chi 500.000 đồng cho tiền thuê phòng, còn điện, nước, cứ 2 tháng chị mới thanh toán một lần. 

Chị Linh cho biết, giá thuê nhà 500.000 đồng/tháng thuộc diện rẻ nhất hiện nay, nếu muốn thuê chỗ rộng rãi, có nhà vệ sinh khép kín thì tiền lương chị đi làm được sẽ không có dư. 

“Tôi chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất và đã phải chia 5, xẻ 7. Dù có bất tiện, khổ sở chút cũng phải chịu” - chị Linh nói.

Ở chỗ làm mới, chị được nhận lương cơ bản 5,3 triệu đồng/tháng, cộng thêm phụ cấp đi lại 300.000 đồng, nhà ở 200.000 đồng, chuyên cần 200.000 đồng. Nếu tăng ca đều 4 giờ mỗi ngày (trừ thứ 7, chủ nhật), thu nhập của chị được 8 triệu đồng/tháng. 

Số tiền này, chị chỉ giữ lại 3 triệu đồng, còn lại, chị gửi về cho mẹ trông cháu ở quê. Xa chồng con đi làm, nữ công nhân mong muốn có tiền trang trải cho cuộc sống, sau đó dành dụm được khoản tiền để đi học nghề...

TS Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - cho biết, trên thực tế, các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động. Nhiều khu nhà là những dãy phòng cấp bốn, diện tích mỗi phòng chỉ rộng 4-10m2, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, giá thuê trọ cao, không có hoặc hạ tầng kỹ thuật kém, dẫn đến không đảm bảo chất lượng sống của công nhân, lao động.

Theo báo cáo của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) mới đây về vấn đề nghèo hoá ở công nhân lao động, đến nay, cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho CNLĐ với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha. Tuy nhiên, thực tế mới chỉ có 116 dự án với khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn