MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Siêu thị giá 0 đồng dành cho CNLĐ bị ảnh hưởng dịch COVID-19, có hoàn cảnh khó khăn do CĐ các Khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội tổ chức. Ảnh: Linh Nguyên

Thu nhập lao động phi chính thức giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái

Hải Anh LDO | 12/07/2020 09:16
Người lao động phi chính thức bị giảm thu nhập nhiều hơn so với lao động chính thức, với mức giảm tương ứng là 8,4% và 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái; người lao động càng có bằng cấp, trình độ cao hơn, thì càng bị giảm thu nhập ít hơn - đó là phân tích của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam.

Bà Valentina Barcucci - chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO Việt Nam -  cho biết: Thị trường lao động Việt Nam trong quý II năm 2020 đã chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng.

Năm nay là lần đầu tiên trong 5 năm qua ghi nhận thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm đi so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Và những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thị trường lao động đang phải gánh chịu những tác động kinh tế nặng nề nhất của đại dịch,” bà Barcucci nói.

Quý II năm nay cũng chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua, ở mức 2,73%. Trong đó tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở nhóm lao động có trình độ thấp (sơ cấp).

Điều tra Lao động Việc làm do Tổng cục Thống kê (GSO) thực hiện với hỗ trợ kỹ thuật của ILO cho thấy lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục. Lực lượng lao động giảm 2,2 triệu so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tham gia thị trường lao động giảm sâu hơn ở khu vực nông thôn và trong lực lượng lao động nữ.

Tuy nhiên, Giám đốc ILO Việt Nam, TS Chang-Hee Lee,  tin tưởng rằng Việt Nam ở vị thế tốt hơn hầu hết các nước khác để vượt qua những thách thức về kinh tế và thị trường lao động, như Việt Nam đã thành công đối với cuộc khủng hoảng về y tế cộng đồng.

Theo ông, Việt Nam sẽ cần tiếp tục kiên định với các biện pháp kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; sử dụng đối thoại làm công cụ để chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động có thể tìm ra được giải pháp xử lý vấn đề.

“Bây giờ chính là lúc Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cùng nhau đoàn kết để xây dựng và thực hiện những chính sách và biện pháp dựa trên bằng chứng, để giúp đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng này và để Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn cả giai đoạn tiền khủng hoảng,” TS.Lee cho biết, và “ILO luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn” - TS. Chang-Hee Lee khẳng định.

Ở cấp độ toàn cầu, báo cáo nhanh mới nhất của ILO ước tính tổng số giờ làm việc trên thế giới đã giảm 14% trong quý II năm 2020, tương đương với 400 triệu lao động toàn thời gian (giả định lao động làm việc 48 giờ một tuần).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn