MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thu nhập ổn định, vì sao người trẻ vẫn nghỉ việc?

Phương Minh LDO | 07/02/2023 07:02

Ngay vừa khi kết thúc kỳ nghỉ Tết 2023, chị Đinh Thị Hoàng My (27 tuổi, Hà Nội) liền viết đơn xin nghỉ việc. Dù thu nhập dao động 12 - 15 triệu đồng/tháng song chị My vẫn muốn tìm kiếm cơ hội việc làm ở nơi khác.

Áp lực công việc và rất nhiều lý do khác khiến người trẻ nghỉ việc sau Tết dù thu nhập ổn định. Ảnh minh hoạ: Lương Hạnh.

Tốt nghiệp ngành quan hệ công chúng, chị My xin làm việc tại công ty về lĩnh vực truyền thông số. Từ nhân viên cộng tác trở thành nhân viên chính thức được ký hợp đồng đào tạo, chị My mất hơn 2 năm kiên trì, cố gắng.

Chia sẻ về lý do xin nghỉ việc, chị My cho biết - công việc áp lực và hơn hết chị không còn thấy niềm vui khi đi làm. Từ ngày ra trường, trừ các ngày lễ, Tết, chị My chưa có một kỳ nghỉ phép đúng nghĩa. 

Bởi lẽ, công việc ngổn ngang, nếu có xin nghỉ phép thì chị My cũng trong tình trạng “ôm” laptop, nhận điện thoại liên tục từ khách hàng và sếp. Dù tay chân có nghỉ ngơi nhưng trong đầu luôn luôn nghĩ tới công việc.

Do là nhân viên trẻ tuổi trong phòng, chị My thường bị giao thêm các việc phụ khác từ sửa văn bản, mua quà tặng đến liên hệ khách… những việc đó khiến cô gái 27 tuổi cảm thấy vô cùng mệt mỏi. “Những điều đó khiến tôi chán nản, không còn muốn đến công ty làm việc. Tôi đợi ra Tết nghỉ việc vì còn trông chờ vào khoản thưởng Tết” - chị My nói.

Khi nộp đơn xin nghỉ việc, đồng nghiệp đều ngạc nhiên vì chị My vốn là người chăm chỉ, nhiệt tình với công việc. Chị My cho hay, sau khi rời công ty sẽ làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp rồi đi du lịch, thăm gia đình và cho bản thân thời gian nghỉ ngơi.

Còn chuyện tìm kiếm công việc mới, chị My dự định hết tháng 2 dương lịch sẽ làm hồ sơ xin việc ở những công ty có nhiều người trẻ năng động hơn.

Nộp đơn nghỉ việc khi vừa đi làm trở lại được 1 tuần sau kỳ nghỉ Tết, anh Trần Văn Huy (28 tuổi, quê Thái Bình) cảm thấy nhẹ nhõm như được tự do. 

Khi nhảy việc, người lao động phải thông báo trước 30-45 ngày tuỳ thuộc vào loại hợp đồng lao động. Ảnh minh hoạ: Phương Minh.

Anh Huy là nhân viên kỹ thuật, thu nhập 20 triệu đồng/tháng, hằng ngày, nam thanh niên bắt đầu ra khỏi nhà từ 7h sáng và trở về nhà lúc 19h tối. Để có mức thu nhập tương đối ổn định, anh Huy phải lao động miệt mài, đêm vẫn thức tới 12h để làm việc. 

Trong khi bạn bè hẹn hò, tụ tập, đi đến nơi này nơi khác thì anh Huy chỉ chăm chăm vào màn hình máy tính, cố gắng làm xong nốt phần việc. Điều đó khiến anh Huy ngày càng có khoảng cách với bạn bè và dường như không có người bạn thân thiết bên cạnh.

Lý do chính khiến anh Huy nhảy việc không chỉ vì cường độ cao từ công việc mà theo anh, mối quan hệ giữa bạn bè, đồng nghiệp trong cơ quan cũng không mấy tốt đẹp. "Công việc vắt kiệt sức tôi một phần, dẫu vậy lý do chính khiến tôi muốn chuyển việc vì cấp trên không biết thông cảm và lắng nghe nhân viên" - anh Huy nói.

Nghỉ việc cần báo trước bao lâu?

Đối với những ngành nghề, công việc thông thường, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động.

Cụ thể, với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, người lao động cần báo trước ít nhất 45 ngày. Với hợp đồng có thời hạn từ 12 – 36 tháng, người lao động cần báo trước 30 ngày...

4 khoản tiền được nhận khi chuyển việc: Tiền lương chưa được thanh toán; Tiền trợ cấp thôi việc; Tiền phép năm chưa nghỉ hết; Tiền trợ cấp thất nghiệp.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn