MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đi làm dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, công nhân Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương phấn khởi vì thu nhập cao hơn ngày thường. Ảnh: Mỹ Ly

Thu nhập tăng, công nhân phấn khởi làm việc ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

MỸ LY LDO | 19/04/2024 08:49

Khối lượng công việc tương đương ngày thường trong khi tiền lương được chi trả lại cao hơn là lý do khiến nhiều công nhân hăng hái đi làm dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Với các công nhân, đây là cơ hội để họ có thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình. Còn doanh nghiệp cũng yên tâm bởi đảm bảo đơn hàng không gián đoạn.

Phấn khởi sản xuất

Theo ông Vũ Hải Nam - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương (TP Cần Thơ), tùy theo lượng đơn hàng sản xuất, ban tổng giám đốc công ty sẽ quyết định cho công nhân đi làm hay nghỉ. Riêng năm nay, tình hình đơn hàng ổn định và công ty sắp sửa chữa nhà máy nên dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, công nhân vẫn sẽ đi làm bình thường và được trả lương theo quy định của pháp luật.

“Công ty đang dự kiến sửa chữa nhà máy cộng thêm sắp tới sẽ còn đợt nghỉ lễ 30.4 - 1.5 nên để kịp tiến độ đơn hàng, Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, công ty vẫn sản xuất bình thường. Dù phải đi làm ngày lễ nhưng anh chị em công nhân đều rất hăng hái làm việc vì được hưởng lương theo hệ số là 300%”, ông Nam cho biết.

Đi làm dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, vợ chồng chị Trịnh Hồng Cẩn - công nhân Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương (TP Cần Thơ) - vô cùng phấn khởi. Với nữ công nhân, đây là cơ hội để cả hai kiếm thêm thu nhập để trang trải các chi phí trong gia đình. “Đi làm dịp lễ Giỗ Tổ với vợ chồng tôi không còn quá xa lạ vì năm nào công ty có đơn hàng gấp hoặc có việc gì phát sinh thì vẫn sản xuất bình thường. Với lại, thường nghỉ lễ nhiều ngày liền, công nhân mới có kế hoạch về quê hay đi chơi xa. Còn những đợt nghỉ một ngày như thế này, vợ chồng tôi luôn mong có thể đi làm để được nhân lương”, nữ công nhân chia sẻ.

Cũng vui mừng vì được đi làm dịp lễ, chị Phạm Thị Thùy Linh - công nhân KCN Trà Nóc (TP Cần Thơ) - chia sẻ, thu nhập của chị vào ngày này được nhân lên gấp đôi. Điều đó khiến chị và nhiều đồng nghiệp rất phấn khởi. “Không chỉ tôi mà nhiều công nhân khác được đi làm ngày lễ cũng rất mừng, vì làm càng nhiều thì lương càng cao. Đặc biệt, khối lượng công việc ngày lễ cũng như ngày thường mà tiền lương thì cao hơn nên anh chị em công nhân ai cũng phấn khởi sản xuất, xem đây là cơ hội kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình”, chị Linh cho hay.

Mong việc làm ổn định

Công ty có đơn hàng, công việc ổn định, phải đi làm cả ngày lễ giúp thu nhập của chị Linh tăng đáng kể. Nhờ đó, cuộc sống gia đình của nữ công nhân được cải thiện nhiều. “Công ty khôi phục sản xuất, việc làm ổn định nên thu nhập của tôi có thể trang trải cho cuộc sống hàng ngày cũng như dành ra được một khoản gửi về nhà lo cho 2 con. Giờ tôi chỉ hy vọng công ty luôn ổn định để thu nhập, cuộc sống của công nhân được đảm bảo”, chị Linh nói.

Hai con đang tuổi ăn tuổi lớn, chi phí sinh hoạt, học hành đều cao nên khi được đi làm, nhất là những ngày lễ là điều hạnh phúc với cả hai vợ chồng chị Cẩn: “Chi phí gửi nhà trẻ cho bé 5 tuổi trung bình cũng 1,1-1,2 triệu đồng/tháng, còn bé 3 tuổi thì tã, sữa... cộng thêm ăn uống, sinh hoạt hàng ngày dẫn đến chi tiêu của cả nhà mỗi tháng khá cao. Nhưng nhờ đi làm đầy đủ, được nhân lương dịp lễ mà mức sống của chúng tôi luôn được đảm bảo”.

Với cuộc sống hiện tại, chị Cẩn mong rằng, công ty sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, đảm bảo việc làm cho công nhân để chị và nhiều đồng nghiệp có thêm động lực sản xuất, đồng hành cùng công ty.

Những người không nghỉ lễ

Theo khảo sát của phóng viên Báo Lao Động, trong ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 18.4), hầu hết công nhân lao động nghỉ làm theo quy định. Tuy nhiên, có những trường hợp người lao động làm công việc đặc thù, như vệ sinh đường phố, vẫn có một ngày làm việc như những ngày khác.

Bên cạnh đó, một số công nhân lao động trong các doanh nghiệp cũng đi làm theo thỏa thuận, được hưởng lương 300-400% so với ngày thường. Chị Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang - đi làm từ 3 giờ sáng đến 6 giờ sáng, về nhà nghỉ ngơi, ăn uống rồi sẽ tiếp tục làm việc từ 16 giờ đến 21 giờ.

Chị Nga cho biết, đối với những công nhân vệ sinh như chị, những ngày này, trong khi nhiều người khác nghỉ lễ, thì chị vẫn đi làm như những ngày bình thường. Chỉ khác là đi làm vào ngày nghỉ lễ, chị sẽ được hưởng 300% lương so với ngày làm việc bình thường. “Nhiều khi nhìn cảnh người ta đi chơi, còn mình thì vẫn phải đi làm, tôi có chút chạnh lòng. Nhưng cảm giác đó trôi qua rất nhanh vì tôi hiểu được đặc thù công việc của mình” - chị Nga chia sẻ.

Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên Báo Lao Động, hầu hết các doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh đều không tổ chức làm việc trong ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay.

Bà Bành Hải Ninh - Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết, qua nắm bắt, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh cơ bản đều không tổ chức làm việc vào ngày 18.4; công nhân được nghỉ lễ theo quy định của Bộ luật Lao động 2019. Bà Ninh cho biết, nếu công nhân đi làm ngày này, doanh nghiệp phải trả lương cho công nhân 300% so với ngày thường, nên nhiều doanh nghiệp sẽ không tổ chức làm thêm vào ngày này.

Còn ở Bắc Ninh, ông Trần Văn Hiệu - Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh - thông tin, hầu hết các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đều nghỉ sản xuất ngày 18.4, CNLĐ nghỉ lễ theo quy định. “Chỉ có một số ít doanh nghiệp thỏa thuận với NLĐ đi làm trong ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng vương” - Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh nói.

Hiện trong các KCN tỉnh Bắc Ninh có khoảng 290.000 CNLĐ với 1.100 doanh nghiệp, được Công đoàn các KCN tỉnh Bắc Ninh trực tiếp quản lý.

Quế Chi

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn